21/2/14

Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan

Cuộc khủng hoảng chính trị mới ở Thái Lan đã kéo dài được 3 tháng. Từ ngày 13/1, phe đối lập đã cố gắng ép Chính quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức với phương thức chiếm lĩnh Bangkok, ép chính phủ ngừng hoạt động, đồng thời gây trở ngại cho công tác bầu cử ở bên ngoài chính phủ. “Phe Áo đỏ” ủng hộ chính phủ cũng tiến hành biểu tình nhiều nơi ở Bangkok.
Đến ngày 27/1, phía quân đội vẫn luôn giữ thái độ trung lập. Cục diện chính trị rối loạn ở Thái Lan kéo dài đến hiện nay, Thaksin mặc dù đóng vai trò vô cùng then chốt nhưng đây tuyệt đối không phải là “cá nhân đã thay đổi lịch sử”.
Nếu phân tích sâu hơn, mâu thuẫn giữa phe “chống đối Thaksin” và “ủng hộ Thaksin” chỉ là hiện tượng bên ngoài. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan có nguyên nhân căn bản sâu sắc và đặc biệt của nó.
Thứ nhất, sự đối lập căn bản về lợi ích giai cấp. “Phe chống đối Thaksin” là tầng lớp tinh hoa mà chủ yếu là chính khách địa phương, doanh nghiệp và các nhóm chính trị, quan chức và một bộ phận giai cấp trung lưu thành phố, họ là lực lượng trụ cột của cấu trúc chính trị tinh hoa truyền thống Thái Lan; phe “ủng hộ Thaksin” là tầng lớp bình dân chủ yếu là nông dân ở phía Đông Bắc, họ theo đuổi cấu trúc chính trị “mô hình toàn dân” cân bằng và công bằng hơn. “Phe chống đối Thaksin” là những người được lợi từ thể chế chính trị tinh hoa truyền thống của Thái Lan trong khi “phe ủng hộ Thaksin” lại coi chính sách mà Thaksin thực hiện trong thời gian cầm quyền là đại diện cho lợi ích của họ.
Mặc dù từ những năm 1960 đến nay kinh tế Thái Lan phát triển rất nhanh, được coi là một trong “4 con rồng nhỏ” Đông Á, đứng vào hàng các nước có mức thu nhập trung bình, hơn nữa tỉ lệ đói nghèo giảm đi đáng kể, nhưng dưới thể chế chính trị tinh hoa truyền thống, Thái Lan đã thực hiện chính sách kinh tế “coi trọng thành thị, xem nhẹ nông thôn” trong thời gian dài, tầng lóp nông dân không được chia sẻ lợi tức phát triển về kinh tế-xã hội của đất nước, dẫn tới khoảng cách giàu nghèo ở trong nước, ở thành thị và các khu vực ngày càng cách xa, hệ số Gini nằm trong khoảng 0,5 gần 20, 30 năm nay. Đồng thời về chính trị, tầng lớp nông dân cũng bị vứt bỏ ngoài thể chế chính trị tinh hoa thời gian dài, vừa không có bất cứ quyền phát ngôn nào về chính trị, vừa không có ý thức và đòi hỏi chính trị rõ ràng, tầng lớp nông dân chiếm gần 70% dân số Thái Lan trở thành “đa số thầm lặng”.
Do vậy, Thaksin đã đưa ra “chính sách dân túy” với mục đích thực sự cải thiện mức sống của tầng lớp nông dân, đồng thời nâng cao có hiệu quả năng lực sản xuất của họ, mục đích cuối cùng là phá vỡ hiện trạng kinh tế tự nhiên của nông thôn Thái Lan, mở ra kinh tế thị trường ở nông thôn, để người nông dân hội nhập rộng rãi hơn vào tiến trình đô thị hóa, xóa bỏ về căn bản khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, làm dịu mâu thuẫn trong nước do phân phối lợi ích mất cân bằng gây ra.
Chính sách của Thaksin đã nhận được sự ủng hộ tích cực và bảo vệ kiên quyết của nông dân, làm cho Thaksin và tập đoàn tài chính mới do ông ta làm đại diện giành được nguồn lực chính trị vô tận. Năm 2005, đảng Người Thái yêu người Thái do Thaksin lãnh đạo có 14.080.000 đảng viên, chiếm hơn 1/5 dân số Thái Lan. Sau hai lần thắng cử vào năm 2001 và 2005, đảng Người Thái yêu người Thái trở thành chính đảng một mình thành lập nội các đầu tiên trong lịch sử Thái Lan, tỉ lệ số ghế quốc hội lên tới 75,4%. Đồng thời, chính sách của Thaksin cũng đã dẫn tới sự thay đổi về chất trong cơ cấu quyền lực chính trị của Thái Lan, tầng lớp bình dân do nông dân làm chủ lần đầu tiên được coi là lực lượng chính trị độc lập thực sự bước lên sân khấu chính trị.
Sự đòi hỏi lợi ích kinh tế của tầng lớp bình dân và sự trỗi dậy của các lực lượng chính trị chắc chắn sẽ mang lại sức ép to lớn cho lợi ích chính trị và kinh tế đã có của tầng lớp tinh hoa. Đồng thời, giá thành cải cách của Thaksin trên thực tế cũng chủ yếu được đẩy sang cho tầng lớp tinh hoa, vì vậy họ càng hết sức bất mãn.
Thứ hai, sự bất cân bằng về cấu trúc lực lượng chính trị. Để ngăn chặn tình trạng tranh giành quyền lợi chính trị của tập đoàn quân sự và tình trạng lạm quyền của các chính khách địa phương, Thái Lan đã ban hành “Hiến pháp năm 1997”, quy định Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện, được bầu cử trực tiếp. Việc cải cách chế độ, đặc biệt là cải cách chế độ bầu cử như vậy rất có lợi cho sự phát triển của các đảng lớn, do đó đã phá vỡ cấu trúc quyền lực của chính trị tinh hoa truyền thống, tạo cơ hội trỗi dậy về chính trị cho tập đoàn tài chính mới do Thaksin đứng đầu.
Tập đoàn này trước tiên đã thực hiện trỗi dậy về kinh tế vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20, chủ yếu dựa vào vốn hoặc các ngành nghề mới nổi. Vì vậy, tuy họ có mối liên hệ chằng chịt với tầng lớp tinh hoa chính trị truyền thống nhưng có sự khác biệt rõ rệt về phạm vi ngành nghề, kênh góp vốn và quan điểm kinh doanh, lợi ích kinh tế làm cho tập đoàn này rất cần một thị trượng thống nhất trên cả nước nhằm xóa bỏ ngăn cách giữa thành thị và nông thôn, vì vậy tư duy chính trị của tập đoàn này có lực ly tâm xa rời truyền thống.
Nhờ sự ủng hộ về tiền vốn dồi dào, số lượng lớn phiếu bầu của nông dân do “chính sách dân túy mang lại, chế độ của “Hiến pháp năm 1997” có lợi, cộng với kinh tế Thái Lan xuống dốc sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á năm 1997, sự mong đợi vai trò lãnh đạo của người hùng về kinh tế như Thaksin, tập đoàn Thaksin gặp được thiên thời địa lợi, lực lượng nhanh chóng mở rộng. Tập đoàn Thaksin không những trở thành chính đảng “một đảng cầm quyền” đầu tiên trong lịch sử Thái Lan, mà còn tìm cách lợi dụng sức mạnh nguồn vốn dồi dào của mình tiến hành thâm nhập vào các cơ quan độc lập khác, mở rộng quyền lực của nội các và thủ tướng, cộng với phong cách cầm quyền theo kiểu người hùng và phương thức cải cách cấp tiến của Thaksin, đã phá vỡ hoàn toàn cấu trúc quyền lực của chính trị tinh hoa truyền thống. Do đó năm 2006, lực lượng “chống đối Thaksin” đã liên kết với nhau phát động đảo chính lật đổ Thaksin, và trong 8 năm sau đó dùng mọi cách dốc toàn lực chèn ép tập đoàn Thaksin ngóc đầu dậy.
Tuy nhiên, do ý thức tham gia chính trị của nông dân lên cao và sự nổi lên như là lực lượng chính trị độc lập của họ, Thái Lan chắc chắn không thể trở lại sự cân bằng dưới cấu trúc chính trị tinh hoa truyền thống.
Thứ ba, sự khiếm khuyết của thể chế chính trị dân chủ. Sở dĩ các phe phái có thể giữ được cân bằng dưới nền chính trị tinh hoa truyền thống là nhờ vai trò điều tiết của các nhân tố chính trị và xã hội truyền thống như chế độ bảo hộ theo chiều dọc, quan hệ chính trị-thương mại cũng như lời kêu gọi của Nhà Vua là tối cao. Tuy nhiên, sau khi các tập đoàn chính trị và lực lượng chính trị mới trỗi dậy như tập đoàn tài chính mới và nông dân, thể chế chính trị hiện hành của Thái Lan lại không có cơ chế và khả năng tiến hành phối hợp giữa họ với các lực lượng truyền thống. Nói cách khác, thể chế chính trị dân chủ hiện nay của Thái Lan thiếu sự đảm bảo chế độ mạnh mẽ ở phương diện phối hợp đòi hỏi lợi ích và chủ trương chính trị của các phe phái, lực lượng phối hợp duy nhất có thể dựa vào chính là quyền uy của Nhà Vua. Do đó, trong tình hình mong muốn lợi ích đối lập nhau về căn bản, giữa nhà cầm quyền và phe đối lập là một “trò chơi được mất ngang nhau” hoàn toàn, không thể tiến hành hiệp thương, càng không thể thỏa hiệp và nhượng bộ lẫn nhau thông qua kênh thể chế chính trị dân chủ. Phương thức duy nhất để họ thực hiện mong muốn chỉ là các biện pháp ngoài thể chế như biểu tình trên đường phố hoặc đảo chính quân sự.
Vì vậy, xét từ góc độ lịch sử, những rối ren chính trị lặp đi lặp lại theo chu kỳ ở Thái Lan mấy năm gần đây là giai đoạn buộc phải trải qua trong quá trình hiện đại hóa chính trị ở nước này. Tuy nhiên, những tổn thất chính trị và kinh tế do tình trạng rối ren mang lại không những quá lớn, mà còn ảnh hưởng tới sự ổn định và phồn vinh của khu vực, khiến cho Thái Lan có thể để lỡ cơ hội tốt phát triển nhanh./.

(basam.info)