12/2/14

Khủng hoảng Thái Lan và bóng ma nội chiến

Chỉ có kẻ thua trong bầu cử Thái Lan. Đó là nhận định của chuyên gia Elliot Brennan ở Viện nghiên cứu về chính sách an ninh và phát triển của Thụy Điển được nêu trên tạp chí The Diplomat (Nhật).

Phe biểu tình chống chính phủ đã thành công trong việc phá rối bầu cử Quốc hội khi chỉ có 89% phòng phiếu hoạt động liên tục.
Khủng hoảng đã nhuốm mùi bạo lực và máu đổ với 10 người chết và 577 người bị thương. Trong không khí thù địch ấy có rất ít cuộc vận động của các ứng cử viên địa phương. Như vậy, bầu cử lần này thiên về lòng trung thành đảng phái hơn là bầu cử thực sự.
Niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đang giảm sút nghiêm trọng. Chính phủ dự báo giảm tăng trưởng GDP từ 5,1% xuống còn 4%. Văn phòng Chính sách Tài chính lưu ý nếu biểu tình vẫn tiếp tục thì tăng trưởng GDP trong năm 2014 có thể ít hơn 2%.
Các phân tích rủi ro chính trị tiếp tục làm giảm tình hình ổn định đầu tư vào Thái Lan. Điều này làm dấy lên tin đồn xảy ra đảo chính hay nguy cơ nội chiến.
Theo tính toán của báo The Economist, trong cuộc bầu cử năm 2011, đảng Pheu Thai đã giành được 48% số phiếu trên khu vực dân số chỉ đóng góp 38% GDP. Ngược lại, 35 % số phiếu đảng Dân chủ giành được lại chiếm 62% GDP. Số liệu này đã làm sáng tỏ tình trạng chia rẽ ở Thái Lan. Cuộc tranh giành quyền lực đang là sự giằng co giữa một bên quyền lực thông qua việc tạo ra sung túc và một bên đến từ lực lượng chính trị là dân số đông đảo.
Trong khi đó, quân đội vẫn thể hiện thái độ kiềm chế dù tướng Prayuth Chan-cha tiếp tục khẳng định không loại trừ quân đội can thiệp nếu bạo lực leo thang. Cảnh sát đã xuất hiện rất có kỷ luật và có tổ chức. Đây là hiệu quả đến từ cách tổ chức hiện đại và phương pháp đào tạo bất bạo động vốn được các chuyên gia Mỹ hỗ trợ. Đây có lẽ cũng là bài học cho các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, báo chí lo ngại phe ủng hộ chính phủ tại Chiang Mai, quê nhà của gia tộc Shinawatra. Phe này tuyên bố họ chào đón cựu Thủ tướng Thaksin trở về và thiết lập thành trì chống lại bất kỳ đảo chính hoặc đối thủ nào từ Bangkok.
Cuộc kháng cự này có thể được hỗ trợ vũ khí. Các tuyến đường giao thương giữa Thái Lan-Myanmar vốn được dùng để vận chuyển thuốc phiện trong nhiều thập niên qua cũng có thể được sử dụng để vận chuyển vũ khí. Chính phủ Myanmar đã tuyên bố quan ngại về tình trạng bất ổn ở Thái Lan. Bạo lực leo thang ở Thái Lan có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc đổi mới vốn đang rất mong manh của Myanmar.
Theo chuyên gia Elliot Brennan, thái độ tôn kính đối với nhà vua có thể là một giải pháp can thiệp để buộc hai bên ở Thái Lan đi đến đàm phán. Nhưng liệu quốc vương có sẵn sàng làm như vậy hay không lại là chuyện khác.

TRẦN VŨ - plo.vn