14/1/14

‘Đóng cửa’ Bangkok sẽ được ghi vào lịch sử Thái Lan

Đêm 13/1, ngày đầu tiên phe Áo vàng tiến hành chiến dịch “đóng cửa” Bangkok với nỗ lực lật đổ bà Yingluck và trì hoãn cuộc bầu cử ngày 2/2 tới – thủ lĩnh phe biểu tình Suthep đã đưa ra tuyên bố cứng rắn khi khẳng định hoặc chiến thắng,
hoặc thua cuộc chứ không bao giờ rút lui. Ông còn cho rằng sự kiện này sẽ đi vào lịch sử của Thái Lan.

Người biểu tình Thái Lan trong nỗ lực “đóng cửa” Bangkok. Ảnh: AFP
Trong ngày hôm nay (14/1), dự kiến những người chống chính phủ Thái Lan tiếp tục triển khai các hoạt động phong tỏa các nút giao thông quan trọng tại thủ đô Bangkok nhằm gây sức ép lên chính quyền của bà Yingluck, khi đêm trước đó, họ đã nhận được lời kêu gọi quả quyết của thủ lĩnh Suthep. Ông đã từ chối mọi thương lượng hay thỏa hiệp.
Cho tới nay, với các hoạt động biểu tình diễn ra trong ngày đầu tiên “đóng cửa” thủ đô, phe Áo vàng đã thành công trong việc được tự do phong tỏa các nút giao thông quan trọng của thành phố. Theo AFP, 4 trong 6 làn xe của đường Rachawithi dẫn đến tượng đài Chiến Thắng – điểm trung chuyển lớn của Bangkok – đã bị chiếm dụng làm nơi đậu xe, trong khi 2 làn còn lại bị biến thành điểm tụ tập, đóng quân. Bên cạnh đó, tất cả các ngả đường dẫn tới khu vực này cũng đã bị “đóng băng”. Số đông của phe biểu tình đã chặn không cho một phương tiện nào bên ngoài có thể vào thủ đô. Các điểm giao thông huyết mạch khác gần các khu thương mại, hành chính lớn của Bangkok cũng bị chiếm giữ, khiến thành phố này tê liệt trong một thời gian khá dài. Trong khi, các tiếng còi, loa phát thanh, hò hét của đám biểu tình cũng vang rầm rộ khắp các đại lộ.
Hiện chưa có một thống kê chính thức nào về số người tham gia cuộc biểu tình lớn trong đợt này, song sự kiện “đóng cửa” Bangkok đã khiến các trung tâm bán lẻ, hàng loạt khách sạn bị gián đoạn trên diện rộng, hàng trăm trường học phải đóng cửa. Tuy nhiên, người dân Bangkok đã quá quen thuộc với cảnh tượng này nên nhiều người vẫn tiến hành các hoạt động bình thường. Nhiều người cũng xuống đường, không phải vì về phe Áo vàng hay Áo đỏ mà chỉ muốn Chính phủ đưa ra một quyết sách có thể giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay và đem tới cho họ một cuộc sống bình thường và có thể kinh doanh trở lại. Đáp lại, người biểu tình cũng đã cam kết để lại ít nhất một làn đường ở mỗi ngã tư để xe cứu thương và xe buýt có thể di chuyển.
Lực lượng an ninh cũng chưa có động thái nào đàn áp phe biểu tình mà chỉ đứng canh gác không để xảy ra sự cố. Tờ Bangkok Post đưa tin có ít nhất 2 vụ nổ súng chưa rõ thủ phạm nhằm vào phe đối lập nhưng không có người chết. Song, đây cũng là lo ngại của giới phân tích. Bởi các sự cố dẫn tới đụng độ thường xảy đến vào ban đêm và tới từ các phần tử lạ mặt, kích động len lỏi trong đám biểu tình. Và khi trường hợp đó xảy đến, sự can thiệp của quân đội gần như là chắc chắn.
Trong một động thái nhằm xoa dịu tình hình, bà Yingluck cùng ngày cũng đã tổ chức một cuộc họp với các thành viên chính phủ, hội đồng bầu cử quốc gia và một số thủ lĩnh biểu tình nhằm tìm tiếng nói chung trước tình hình hiện nay, và quan trọng hơn là bàn về thời điểm tổ chức bầu cử. Trước đó, hội đồng bầu cử từng đề xuất lùi thời điểm bỏ phiếu, song phe của bà Yingluck vẫn quả quyết đó không phải là cách giải quyết vấn đề.
Sự kiềm chế cho tới nay của bà Yingluck đã nhận được sự đồng tình của Mỹ khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 13/1 đã tỏ ý hoan nghênh và kêu gọi các bên liên quan đối thoại.
Chính phủ Thái Lan cũng cho biết một cuộc họp với tất cả các bên về thời điểm bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày mai (15/1). Song theo nhận định của AFP, thái độ của bà Yingluck sẽ ít thay đổi khi vẫn muốn tổng tuyển cử vào ngày 2/2. Còn phe của ông Suthep đã lên tiếng dọa sẽ chiếm nốt Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan và cả sân bay nếu bà Yingluck không từ chức cũng trong ngày 15/1 tới.  

Đăng Quốc - songmoi.vn