(VnMedia) - Nữ Thủ tướng xinh đẹp
Yingluck Shinawatra liên tiếp nhận được những thông điệp, cảnh báo
sắc lạnh từ phe biểu tình. Tuy nhiên, điều đó không làm vị “nữ tướng” này lung
lay, nao núng. Và hơn hết, bà nhận được sự ủng hộ rộng khắp của đa số người dân
Thái Lan.
Hôm 22/12 đánh dấu sự
quay trở lại của lực lượng biểu tình chống chính phủ. Những người này đã tràn
ra khắp các con đường ở thủ đô Bangkok trong một nỗ lực mới mà họ tuyên bố là
nhằm gây sức ép hơn nữa để buộc Thủ tướng Yingluck phải rút lui vĩnh viễn ra
khỏi chính trường và xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của gia đình Shinawatra nổi
tiếng ở đất nước Thái Lan.
Sự quyết liệt của phe biểu
tình được thể hiện qua những thông điệp và cảnh báo sắc lạnh mà họ đưa ra nhằm
vào bà Yingluck.
Trong khi hàng ngàn người
biểu tình tụ tập ở nhiều khu vực khác nhau ở thủ đô Bangkok thì khoảng 1.000
người kéo đến dinh thự riêng của Thủ tướng Yingluck và đặt vòng hoa trước cửa
nhà bà. Đây chính là thông điệp cứng rắn mà những người biểu tình muốn gửi đến
bà Yingluck.
Cùng với đó, thủ lĩnh của
lực lượng biểu tình chống chính phủ - ông Suthep đã có một bài phát biểu với
lời lẽ và giọng điệu “hung hăng”, thể hiện sự quyết liệt chưa từng thấy trong
quyết tâm muốn lật đổ bà Yingluck.
“Ngày hôm nay, chúng tôi đóng cửa thủ
đô Bangkok trong nửa ngày. Lần tới, chúng tôi sẽ tụ tập cả ngày và
trong ngày làm việc. Nếu chính phủ ngoan cố, chúng tôi sẽ đóng cửa thủ đô trong
vòng 7 ngày”, ông Suthep đã tuyên bố như vậy.
“Xin mọi người đừng hỏi khi nào các cuộc biểu
tình chấm dứt. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi họ không còn quyền lực. Chúng
tôi đã nói rõ rằng chúng tôi muốn cải cách hệ thống bầu cử và áp đặt những quy
định mới. Chúng tôi thà chiến đấu đến chết còn hơn sống như nô lệ”.
Trong một phát biểu đầy sắc
lạnh, ông Suthep cảnh báo, "Bởi vì bà Yingluck tiếp tục bám chặt lấy chiếc
ghế Thủ tướng nên chúng tôi buộc phải tiếp tục truy đuổi bà ấy. Chúng tôi sẽ
tiếp tục săn đuổi bà Yingluck cho đến khi bà ấy chết hoặc cho đến khi bà ấy rời
đi”, ông Suthep đã nói như vậy. Ông này còn nhấn mạnh, nếu cuộc bầu cử tiếp tục
diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 2/2 tới thì “chúng tôi sẽ đóng cửa toàn bộ đất
nước và ngăn chặn bất kỳ ai đi bỏ phiếu”.
Ông Suthep có vẻ đang đi
quá giới hạn khi thể hiện mong muốn dồn ép bà Yingluck “đến chết hoặc đến khi
bà phải rời khỏi đất nước” – điều mà phe đối lập từng làm với anh trai của bà –
cựu Thủ tướng nổi tiếng Thaksin.
Những bước đi phi dân chủ
Những nỗ lực và hành động
của lực lượng biểu tình hiện nay không nhận được sự ủng hộ của đông đảo người
dân Thái Lan cũng như các học giả. Nhiều nhà phân tích và chuyên gia đã lên
tiếng chỉ trích hành động phi dân chủ của phe biểu tình khi đòi lật đổ một Thủ
tướng được dân bầu lên công khai và dựng lên cái gọi là hội đồng nhân dân nhưng
không phải do dân bầu lên mà do giới hoàng gia, quý tộc lựa chọn.
Ông Suthep dường như là một
công cụ của lợi ích. Ông này đang đấu tranh để bảo vệ giới hoàng gia, trung lưu
ở thành thị - những người tự cho mình ở bậc cao hơn, có giáo dục hơn so với
tầng lớp dân nghèo, dân nông thôn chiếm đa số ở đất nước Thái Lan.
Điều nực cười ở đây là
những người biểu tình tự cho mình là những người hiểu biết hơn, hiểu rõ chính
trường hơn, hiểu rõ các chính sách của gia đình Shinawatra hơn và cho rằng đó
là các chính sách gây hại cho đất nước. Lực lượng biểu tình tin rằng, vì những
người nông dân nghèo, ít giáo dục không thể nhận thức được điều đó nên mới ủng
hộ gia đình Shinawatra.
Tuy nhiên, trên thực tế,
tầng lớp trung lưu, thành thị đang tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi cho họ và
tiếp tục phớt lờ đến lợi ích của đại đa số người dân nông thôn, người dân nghèo
ở vùng nông thôn phía bắc và đông bắc đất nước.
Những người ủng hộ gia đình
Shinawatra chỉ hiểu rằng, từ khi cựu Thủ tướng Thaksin và sau này là nữ Thủ
tướng Yingluck lên cầm quyền, cuộc sống của họ đã có những đổi thay tích cực.
Họ không bị gạt sang bên lề cuộc sống, bị bỏ quên trong dòng chảy của xã hội
như trước đây.
Bà Yingluck giữa vòng vây người
ủng hộ
Thêm một điều nực cười nữa
là phe biểu tình tuyên bố đang đấu tranh cho nền dân chủ nhưng họ lại muốn bác
bỏ, phủ nhận lá phiếu của phần đông dân chúng Thái Lan. Lực lượng này có vẻ như
đang ngoan cố tìm cách duy trì quyền lực mà họ từng có được trong nhiều thập kỷ
và không chấp nhận sự thay đổi lớn trong bức tranh chính trị khi tầng lớp bình
dân chiếm đa số trong xã hội bắt đầu đứng lên thể hiện quyền lực làm chủ của
họ.
Thực tế về việc đông đảo
người dân Thái Lan liên tục hết lần này đến lần khác đều tín nhiệm và tin tưởng
bầu chọn cho các chính phủ thân Thaksin đã khiến cho phe đối lập thuộc tầng lớp
hoàng gia, trung lưu ở thành thị thêm phần thù địch cái mà họ gọi là “chính
quyền Thaksin”.
Và sự thực trên cũng giải
thích lý do tại sao phe của ông Suthep kiên quyết bác bỏ một cuộc bầu cử bởi họ
đã biết trước thất bại của mình. Lực lượng biểu tình và đối lập muốn tìm cách
thiết lập một hội đồng nhân dân không do dân bầu lên để lãnh đạo đất nước. Đây
là điều mà không chỉ người dân Thái Lan không chấp nhận được mà cả cộng đồng
quốc tế sẽ không thể thừa nhận bởi đó là hành động phi dân chủ.
Phe biểu tình tự xưng là Ủy
ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân nhưng hoàn toàn không đại diện cho đa số
người dân Thái Lan và cũng không thể hiện sự theo đuổi nền dân chủ. Lực lượng
này cũng chẳng nói rõ được họ theo đuổi cuộc cải cách chính trị như thế nào
ngoài việc muốn tước bỏ quyền bỏ phiếu của người dân, lập một hội đồng do họ
lựa chọn để thay thế chính quyền của bà Yingluck.
Kiệt Linh - vnmedia.vn