(CATP) Trông Thái Lan lấy sạch 4 HCV
bóng đá, không ít người đã bảo rằng: Hãy học cách làm như bóng đá
Thái. Riêng tôi thì nghĩ rằng bóng đá Thái chưa hẳn là bài học tuyệt vời
nhất về cách làm thể thao. Bởi so với thời Kiatisak,
bóng đá Thái hiện là một
bước lùi.
Cái chỗ đáng học nhất của Thái Lan, đó
chính là cách họ làm với bóng chuyền nữ. Tại SEA Games, họ toàn thắng mọi đối
thủ với tỉ số 3-0. Và nên nhớ, đó cũng chỉ mới là lực lượng trẻ chứ không phải
thành phần đã hai lần đoạt chức vô địch châu Á! Nghĩ cũng phải thôi, họ cần gì
đến “dao mổ trâu” để giết gà, khi đội tuyển nữ bóng chuyền Thái hiện đã nằm ở
vị trí 12 thế giới. Các đội hàng đầu như Brazil, Mỹ giờ đây gặp Thái Lan cũng
phải trầy vi tróc vảy mới thắng được.
Tại sao họ có thể hình cũng chỉ tương
đương chúng ta chứ không phải to cao như Tây, nhưng lại tạo nên những vận động
viên tuyệt vời như thế? Đơn giản bởi họ đã có kế hoạch và thực hiện kế hoạch ấy
một cách hoàn hảo. Nói ngắn gọn về kế hoạch ấy là như thế này: Giữa thập niên
1990, Thái Lan đã phát triển phong trào bóng chuyền trong học sinh một cách hết
sức rầm rộ, rộng khắp. Từ cái chân đế vững chắc ấy, họ có nhiều vận động viên
tài năng. Rồi những tay đập trẻ tài năng này đã được đào tạo bởi những chuyên
gia quốc tế giỏi. Họ cũng dư dả tiền bạc để tung các vận động viên trẻ của mình
đi thi đấu ở những quốc gia là cường quốc về bóng chuyền. Song song đó, đội ngũ
HLV cũng được tung ra nước ngoài đào tạo một cách bài bản.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan tại SEA Games 27
Để thực hiện
được một kế hoạch phát triển hoành tráng đó, bóng chuyền Thái Lan phải cần rất
nhiều tiền. Điều thú vị là họ lại chẳng tốn tiền! Mà tiền ấy họ đã lấy được từ
quỹ phát triển của Liên đoàn bóng chuyền thế giới!
Năm 1996, tôi còn nhớ ông Trần Văn Nghĩa - Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền
TPHCM kiêm Phó tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền VN - sau một chuyến đi họp
Liên đoàn bóng chuyền thế giới tại Thái Lan về đã lắc đầu bảo: “Trong tương
lai, chúng ta sẽ chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của bóng chuyền nữ Thái Lan”.
Ông Nghĩa kể rằng mình thật sự choáng khi chứng kiến buổi tiếp đón của Thái Lan
dành cho Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền thế giới, với nghi thức dành cho một vị
nguyên thủ chứ không phải là quan chức thể thao. Nghĩa là thảm đỏ được trải từ
chân cầu thang máy bay, quan chức cao cấp của Chính phủ Thái ra đón tận nơi.
Tuy nhiên,
không phải chỉ có đón tiếp trọng thị là lấy được tiền, mà cơ bản là Thái Lan đã
có được một bản kế hoạch phát triển thuyết phục, đồng thời thể hiện được khả
năng thực hiện tốt kế hoạch ấy, chứ không phải là “vẽ” trên giấy chỉ cốt lấy
tiền.
Nhìn lại thể
thao VN, hiện chúng ta chỉ có duy nhất VFF là nhận được tiền hỗ trợ từ bên
ngoài (của FIFA). Nhưng tiền ấy đã được xài như thế nào? Chuyện gần nhất là
Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của VFF mà báo chí đã nói nhiều trong thời gian
gần đây. Xa hơn một chút, vào thời ông Mai Văn Muôn là Chủ tịch VFF, đã từng
xảy ra một scandal là việc báo chí phát hiện VFF đã tạo ra hàng loạt hóa đơn
giả mạo để giải ngân số tiền của FIFA tài trợ cho việc phát triển bóng đá trẻ.
Vì vậy, nói là
“phải học người Thái” nhưng thật sự là không dễ...
NHẤT HUY - congan.com.vn