VOV.VN - Những diễn biến căng thẳng của
phe đối lập cũng như lực lượng biểu tình tại Thái Lan có thể dẫn tới một cuộc
đảo chính.
Tình hình chính trị Thái Lan trong tuần qua
đã
diễn biến hết sức căng thẳng, phản ánh rõ nét cuộc đấu tranh quyền lực quyết
liệt giữa phe Chính phủ và phe đối lập. Chính phủ và Thủ tướng Thái Lan tạm
quyền Yingluck đã tìm mọi phương cách để kiên trì thúc đẩy tiến trình bầu cử Hạ
viện và khởi động lộ trình cải cách đất nước nhằm bảo vệ những nguyên tắc, giá
trị và thể thức của nền dân chủ.
Người biểu tình phản đối Chính phủ Thái
Lan tại điểm đăng ký ứng cử viên bầu cử ở Nakhon Si Thamarat ngày 28/12 (Ảnh:
AFP)
Trong khi đó, phe đối lập lại tìm mọi cách để
buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức, ngăn cản tiến trình bầu cử Hạ viện
và bất hợp tác với phe Chính phủ về tiến trình cải cách đất nước.
Sự đối đầu giữa hai bên đã lên tới đỉnh điểm
vào ngày 26/12, khi những người biểu tình chống Chính phủ và cảnh sát đã xảy ra
đụng độ bạo lực đổ máu, làm hơn 100 người bị thương và 2 người bị chết.
Sau sự kiện đụng độ bạo lực ngày 26/12, đa số
dư luận xã hội Thái Lan đã phải rút ra một kết luận đáng buồn là: sự mâu thuẫn,
chia rẽ chính trị giữa hai phe trên chính trường Thái Lan đã gia tăng và sâu
sắc đến mức rất đáng lo ngại.
Trong ngày 26/12, chính trường Thái Lan còn
nổi lên một số sự kiện đáng chú ý khác: Đó là việc Ủy ban Bầu cử đề nghị Chính
phủ tạm quyền tạm hoãn bầu cử để các phe phái có thời gian giải quyết mâu
thuẫn.
Đó là việc Ủy ban chống tham nhũng công bố
cựu Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranont và Chủ tịch Thượng viện Nikom
Wiratpanich đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp trong khi thi hành công vụ; Ngoài
ra, Ủy ban chống tham nhũng có thể sẽ sớm công bố về việc vi phạm Hiến pháp của
381 Thượng nghị sỹ và cựu Hạ nghị sỹ khác.
Những động thái nêu trên có thể sẽ gây nhiều
khó khăn cho đảng Vì nước Thái và các chính đảng đồng minh trong tiến trình bầu
cử Hạ viện.
Triển vọng bầu cử thành công?
Cho tới thời điểm này, Chính phủ tạm quyền
Thái Lan cho biết, cuộc bầu cử - vốn được xem là nỗ lực của chính phủ trong
việc tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị - vẫn sẽ tiếp tục vì họ không
có quyền hoãn cuộc bầu cử này.
Theo quy định của Hiến pháp Thái Lan hiện
hành, sau khi Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn Sắc lệnh giải tán Hạ viện, thì Chính phủ
tạm quyền và Ủy ban Bầu cử phải phối hợp tiến hành cuộc bầu cử Hạ viện mới
trong vòng từ 45 đến 60 ngày; không có điều khoản nào của Hiến pháp Thái Lan
cho phép Chính phủ tạm quyền hoặc Ủy ban Bầu cử được quyết định trì hoãn cuộc
bầu cử này.
Bên cạnh đó, phe Chính phủ và lực lượng ủng
hộ dân chủ ở Thái Lan cho rằng: Bầu cử Hạ viện cần phải được tiến hành, bên
cạnh việc thúc đẩy tiến trình cải cách đất nước, vì chỉ như thế mới có thể bảo
vệ được chế độ dân chủ, đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng của toàn thể nhân
dân Thái Lan; ngăn chặn ý định thành lập chính quyền không qua bầu cử của phe
đối lập.
Hiện tiến trình bầu cử đã có bước đi đầu
tiên: Ủy ban Bầu cử đã hoàn thành được việc chứng nhận đăng ký ứng cử viên hạ
nghị sỹ theo danh sách đảng cho 53 chính đảng của Thái Lan để họ tham gia tranh
cử trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Theo lịch trình, Ủy ban Bầu cử Thái Lan tổ
chức đăng ký ứng cử hạ nghị sỹ ở các khu vực bầu cử tại 77 tỉnh, thành trên
toàn quốc, từ ngày 28/12/2013 đến 1/1/2014. Ngày bầu cử chính thức được tổ chức
vào ngày mồng 2/2/2014.
Tuy nhiên, tiến trình bầu cử Hạ viện nêu trên
đã khởi đầu không suôn sẻ do sự chống phá của biểu tình. Sắp tới, cuộc bầu cử
Hạ viện có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cho đến thời điểm này,
ban lãnh đạo biểu tình chống Chính phủ vẫn tuyên bố quyết tâm chống phá cuộc
bầu cử Hạ viện trên quy mô toàn quốc.
Nếu những người biểu tình thực sự hành động
như họ đã tuyên bố, thì tiến trình bầu cử Hạ viện có nguy cơ bị cản trở, thậm
chí không thể thực hiện được ở một số địa phương do xảy ra đụng độ bạo lực;
nhất là ở khu vực Thủ đô Bangkok và các tỉnh miền Nam Thái Lan, nơi được coi là
"căn cứ địa" của phe đối lập.
Đó là chưa kể việc đảng Dân chủ đối lập tẩy
chay bầu cử, có thể dẫn tới những sự cố về số lượng cử tri đi bầu hoặc số phiếu
bầu ở các khu vực bầu cử không đảm bảo theo luật định, khiến kết quả bầu cử
không được công nhận.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có thể tạm hoãn được
cuộc bầu cử Hạ viện hay không và hoãn bằng cách nào để không trái với quy định
của Hiến pháp. Tuy nhiên, câu hỏi này hiện vẫn chưa có lời giải đáp nào đủ sức
thuyết phục được dư luận Thái Lan về khả năng hoãn bầu cử Hạ viện.
Cơ hội cho sự thỏa hiệp?
Về mặt nguyên tắc, vẫn có cơ hội cho một giải
pháp "thỏa hiệp" hòa bình và tối ưu, có thể giúp nước này thoát khỏi
khủng hoảng, đó là: Ủy ban bầu cử, các phe phái và tổ chức xã hội cùng hợp tác
tiến hành để cuộc bầu cử Hạ viện diễn ra đúng thời hạn, đảm bảo công bằng, minh
bạch ở mức cao nhất có thể được.
Trong khi đó, các phe phái đồng ý đối thoại
để thành lập một "Hội đồng cải cách đất nước", được tất cả các
bên chấp nhận. Các phe phái sẽ phải cam kết thực hiện theo đúng lộ trình và nội
dung cải cách đất nước ngay sau khi có Hạ viện và Chính phủ mới.
Diễn biến tình hình chính trị ở Thái Lan hiện
nay cho thấy khả năng thỏa hiệp giữa phe Chính phủ và phe đối lập rất khó khăn.
Tuy nhiên, một số giải pháp "thỏa hiệp" khả thi đã được đề xuất và có
thể lãnh đạo các phe phái sẽ buộc phải xem xét, cân nhắc và lựa chọn, nếu họ
muốn giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng chính trị.
Nguy cơ đảo chính?
Ngày 27/12, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth
Chan-ocha đã có phát biểu tỏ ý lo ngại về những diễn biến đụng độ bạo lực
vừa qua; đề nghị các phe phái đối thoại với nhau để giải quyết bất ổn bằng biện
pháp hòa bình. Tướng Prayuth nhấn mạnh, những người có trách nhiệm phải tổ chức
bầu cử Hạ viện theo tiến trình pháp luật. Đặc biệt, Tư lệnh Lục quân Prayuth
cho biết: Quân đội thi hành nhiệm vụ vì lợi ích và sự bình yên cũng như vì sự
phát triển của đất nước. Việc có xảy ra đảo chính hay không còn tùy thuộc vào
diễn biến tình hình.
Phát biểu của Tư lệnh Lục quân Thái Lan cho
thấy quân đội tuy là một thế lực quan trọng, song quân đội đang giữ lập trường
"trung lập", cố gắng tránh sử dụng vũ lực để can thiệp chính trường,
vì họ đã có bài học đắt giá về hậu quả của đảo chính. Do đó, nguy cơ đảo chính
chỉ có thể trở thành hiện thực, nếu các phe phái chính trị nước này không thể
đạt được sự thỏa hiệp về một giải pháp hòa bình và họ để xảy ra xung đột bạo
lực vượt khỏi tầm kiểm soát.
Phe Chính phủ và những người ủng hộ dân chủ
Thái Lan luôn cảnh giác và phản đối đảo chính. Song điều đáng lo ngại là, ban
lãnh đạo biểu tình chống Chính phủ đã và đang có những động thái cố tình kích
động gây đụng độ bạo lực để làm cho tình hình Thái Lan thêm rối loạn, tạo cớ
cho quân đội can thiệp hoặc tiến hành đảo chính./.
Tống Sơn/VOV-Bangkok