(baogiaothong)-
Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng GTVT Thái Lan Prajin Juntong hội đàm về
tăng cường hợp tác GTVT 2 nước.
Chiều nay (14/5), tại Hà Nội, Bộ trưởng GTVT VN Đinh La Thăng và Bộ
trưởng GTVT Thái Lan Prajin Juntong đã cùng họp bàn thống nhất nhiều nội dung
quan trọng về hợp tác GTVT đường bộ, hàng hải, hàng không giữa 2 nước.
2 Bộ trưởng ký biên bản ghi nhớ về 5 nội dung hợp tác lớn
Chào mừng ngài Bộ trưởng GTVT Thái Lan và đoàn công
tác, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: Hai nước đã thành lập quan hệ ngoại giao từ
rất sớm và đang thúc đẩy tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và quan hệ
đối tác chiến lược. Tháng 6 tới Thủ tướng hai nước sẽ chủ trì cuộc họp tăng
cường hợp tác tại Thái Lan.
Việt Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng trong đó
có kết cấu hạ tầng GTVT để cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm
2020. Để triển khai định hướng chính sách này, kế hoạch trong giai đoạn 2011 –
2020 của ngành GTVT Việt Nam là tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao
tốc, nâng cấp các sân bay hiện có và xây dựng mới một số sân bay, tiếp tục đầu
tư xây dựng và phát triển một số cảng biển thành trung tâm trung chuyển hàng
hải của khu vực với khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, hoàn thành cải
tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt
quốc gia và khu vực, xây dựng mới tuyến đường Bắc - Nam, đồng thời nhanh chóng
phát triển giao thông vận tải bánh sắt tại các đô thị.
Trong những năm gần đây, cũng như nhiều nước khác, nền
kinh tế Việt Nam đang dần khôi phục sau cuộc khủng khoảng kinh tế tài chính
toàn cầu. Năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,9%, cao hơn năm 2013
(5,42%). Về chất lượng cơ sở hạ tầng GTVT, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế
thế giới (WEF) năm 2014 Việt Nam xếp thứ 74/138 nước, tăng 16 bậc so với năm
2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.
Tuyến vận tải ven bờ giữa Việt Nam - Thái Lan sẽ sớm được triển khai
Hai Bộ trưởng rất vui mừng trước quan hệ hợp tác trong
lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam và Thái Lan đã thu được một số thành quả nhất định.
Trong lĩnh vực đường bộ, từ giữa năm 2009, xe của Thái
Lan và Việt Nam đã có thể vận chuyển hàng hóa vào sâu lãnh thổ của nhau trên
tuyến hành lang Đông-Tây. Tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT Việt Nam – Lào – Thái Lan
tổ chức đầu năm 2013 tại Hà Nội, các Bộ trưởng đã ký Bản sửa đổi Bản ghi nhớ về
thực hiện bước đầu Hiệp định GMS trên Hành lang Đông Tây nhằm mục đích mở rộng
phạm vi hoạt động cho phương tiện vận tải của các bên ký kết từ hành lang Đông
– Tây đến Hà Nội, Hải Phòng trên lãnh thổ Việt Nam, đến Viêng Chăn trên lãnh
thổ Lào và đến Băng cốc, Laem Chabang trên lãnh thổ Thái Lan.
Hai nước đang xây dựng dự thảo Bản ghi nhớ về mở các
tuyến xe buýt kết nối giữa 3 nước Lào – Thái Lan – Việt Nam và sẽ trao đổi với
phía Lào về dự thảo đề xuất này.
Việt Nam và Thái Lan cũng đã ký Hiệp định hàng hải
thương mại đầu năm 1979 và Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định năm 1999,
tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu hàng hải giữa hai
nước cũng như sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải.
Hai bên cũng đang sẵn sàng ký các văn kiện công nhận
chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên hai nước theo các quy định của Công ước
STCW.
Theo đề xuất của phía Thái Lan, 3 nước Việt Nam - Thái
Lan - Campuchia sẽ thành lập nhóm công tác chung để nghiên cứu về việc mở tuyến
vận tải ven bờ nối giữa các cảng biển của Việt Nam với Thái Lan.
Về lĩnh vực hàng không dân dụng, Hiệp định vận chuyển
hàng không Việt Nam – Thái Lan về các chuyến bay giữa và qua lãnh thổ hai nước
ký chính thức đầu năm 1978. Hiện nay, thị trường vận tải hàng không Việt Nam –
Thái Lan đã tự do hóa hoàn toàn trên cơ sở thỏa thuận song phương và trong
khuôn khổ các Hiệp định đa biên ASEAN về hàng không.
Tháng 12/2014, hãng hàng không liên doanh Thai Vietjet
Air đã được thành lập và hiện đang khai thác các đường bay nội địa Thái Lan,
cũng như các đường bay quốc tế từ Thái Lan tới các điểm đến trong khu vực như
Mianma, Lào và Campuchia.
Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ thường xuyên kết nối hợp tác chặt chẽ, tạo
điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển GTVT 2 nước
Tại cuộc gặp chiều 14/5, hai Bộ trưởng đã thảo luận và
nhất trí về 5 nội dung hợp tác phát triển. Phía Thái Lan thông báo đã phê
chuẩn tất cả các Phụ lục còn lại của Hiệp định Vận tải qua lại biên giới GMS
(CBTA). Do đó, Phụ lục Bản ghi nhớ giữa Lào, Thái Lan và Việt Nam về việc thực
hiện ban đầu Hiệp định giữa 6 nước GMS về Tạo thuận lợi vận tải hàng hoá và
hành khách qua lại biên giới (IICBTA) tại Lao Bảo - Dansavanh và Savannakhet -
Mukdahan, ký kết đầu năm 2013 sẽ có hiệu lực tới đây. Điều này sẽ giúp mở
rộng Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) đến Viêng Chăn, Băng Cốc, Hà Nội, cảng
Lam Chabang và cảng Hải Phòng.
Hai Bộ trưởng trao quà lưu niệm
Hai bên thống nhất về nguyên tắc việc mở tuyến vận tải
khách theo lịch trình giữa Thái Lan và Việt Nam và đồng ý rằng, trong thời điểm
hiện tại, các tuyến có tính khả thi cao nhất là Hà Tĩnh - Kham Muộn - Nakhon
Phanom và TP.HCM – Phnom Penh – Băng Cốc. Cả hai bên đã thống nhất mời Lào tham
gia cuộc họp ba bên để soạn thảo Bản ghi nhớ về dịch vụ xe buýt theo lịch trình
kết nối Thái Lan, Lào và Việt Nam. Cuộc họp với Campuchia sẽ được thực hiện sau
khi có sự thống nhất của phía Campuchia.
2 bên cũng thống nhất khuyến khích phát triển vận tải
ven bờ dọc theo bờ biển phía đông của Thái Lan tới bờ biển phía Nam của Việt
Nam. Về vấn đề này, hai bên nhất trí thành lập một nhóm đặc trách chung để thực
hiện nghiên cứu.
Hai bên cùng thúc đẩy việc ký các văn kiện công nhận
chứng chỉ của thuyền viên theo Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp
chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW) trong thời gian tới, dự kiến tại
cuộc họp ASEAN STOM lần thứ 40/ ATM lần thứ 21 sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm
nay tại Malaysia.
Hai Bộ trưởng thống nhất tạo thuận lợi cho hoạt động
của các hãng hàng không của hai nước. Đối với các hãng hàng không liên doanh
Việt-Thái, Bộ GTVT Thái Lan sẽ hỗ trợ cho hoạt động của liên doanh, trong đó có
việc sắp xếp giờ cất hạ cánh và ưu tiên về chính sách...
Phương Anh
- baogiaothong.vn