(VnExpress)- Cô giáo mầm
non mang dòng máu Thái Lan, kết hôn với chàng trai Việt Nam, có 5 người con đi
bộ đội thì hai nằm lại chiến trường.
Khăm Xón Chèm Chăn là tên thật của mẹ Việt Nam anh hùng Tống Thị Hiền (Tống
Thị Hiền là
tên được đặt theo tên chồng) năm nay bước sang tuổi 94, quê gốc
Thái Lan. Mẹ Hiền đang sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa ở phường Hòa
Hiếu, thị xã Thái Hóa (Nghệ An).
Nhà nơi mẹ Tống Thị Hiền
đang sinh sống. Ảnh: Hải Bình.
Buổi trưa đầu hè tháng 4, cái nắng gay gắt của dải đất miền Trung, mẹ Hiền
vừa sắp mâm cơm vừa nghe những ca khúc tiền chiến âm vang. Mẹ nhiều tuổi nhưng
tai nghe rõ, mắt tinh nhanh.
"Con cháu sống gần trong thôn nhưng tôi muốn ở một mình để được làm
những việc tự chăm sóc bản thân như nấu nướng, hái rau hàng ngày. Đây cũng là
cách để luyện sức khỏe”, mẹ Hiền mái tóc bạc phơ, giọng nói nhỏ nhẹ rặt tiếng
Nghệ An, gần như ai lần đầu gặp đều khó nhận ra mẹ là người quê gốc Thái Lan.
Sinh ra tại bản Xài Mun, huyện Xà Vàng - Xà Côn (Thái Lan) trong gia đình
nhiều anh chị em, cô gái Khăm Xón Chèm Chăn xuất thân là giáo viên dạy mầm non
ở bản. Mối tình không biên giới đã đến với cô gái Thái 20 tuổi khi gặp chàng
trai Việt Tống Văn Hiền quê Hà Tĩnh theo gia đình sang sinh sống tại Thái Lan.
Kể về mối tình với chồng, mẹ Hiền vẫn nhớ như in lúc đó là năm 1945, ông
Tống Văn Hiền cùng nhóm thợ người Việt ở trọ trong nhà dân tại bản Xài Mun (nơi
bà dạy học) để đi làm thuê nghề thợ may. Hai người quen nhau. “Tình yêu đến từ
lúc nào cũng không hay nữa. Chúng tôi tổ chức một đám cưới nhỏ ở bản rồi sinh
cơ lập nghiệp. Vợ tới trường còn chồng vẫn làm thợ may. 6 đứa con mang dòng máu
Việt - Thái lần lượt chào đời”, bà Hiền nhớ lại.
Năm 1960 Chính phủ kêu gọi kiều bào Thái Lan trở về xây dựng quê hương, góp
công sức đánh giặc, ông Hiền bàn với vợ sẽ đưa cả gia đình trở về quê hương. 6
người con nghe bố mẹ nói về Việt Nam thì ngỡ là được đi du lịch nên hò reo vui
mừng. Bà kể: "Chồng hỏi 'anh về Việt Nam em có theo anh không'. Tôi nói
'chồng quyết thì vợ sẽ thuận'".
“Quả thực trong lòng lúc đó rất lo lắng. Tôi sợ cảnh ly tán chia con, đứa
theo mẹ thì nhớ cha, đứa theo cha sẽ nhớ mẹ. Một phần thì từ nhỏ tôi chưa đi
đâu xa, chưa xa bố mẹ. Cả mấy mẹ con không hề biết tiếng Việt rồi sẽ như thế
nào?”, bà Hiền kể lại thời khắc quyết định cùng chồng đưa các con rời nơi chôn
nhau trở về vùng đất mới.
Mẹ Tống Thị Hiền bên bức
ảnh chân dung của anh Xiên (người con thứ 3) hy sinh tại Lào. Ảnh: Hải Bình.
Quyết định về Việt Nam của gia đình khiến vợ chồng bà Hiền đau đầu. Đông
con lại chân ướt chân ráo trở về trong thời chiến tranh loạn lạc... là những
khó khăn hiện hữu ngay trước mắt. Ngày cả nhà bước lên chuyến tàu để tới Việt
Nam, bà Hiền đã cố giấu chồng con và khóc nhiều bởi bước chân xa quê hương của
mình. Lúc này bà cũng mang bầu đứa con trai thứ 7.
“Tôi nhớ cả gia đình lên con tàu số hiệu 31, lênh đênh trên biển khoảng hai
tháng mới tới được đất liền Việt Nam”, bà Hiền kể.
Giữa năm 1961 lần đầu tiên về tới quê chồng ở Hà Tĩnh cũng là thời khắc
người phụ nữ Thái Lan cảm nhận được sự đau thương của vùng đất chiến tranh, rồi
trận lụt lịch sử năm 1962 ở miền Trung khiến đê điều nhà cửa tan hoang. Gia
đình sau đó chuyển tới vùng đất Phủ Quỳ (Nghệ An) để sinh cơ lập nghiệp, bà
Hiền sinh hạ tiếp hai người con. Cuộc sống ở vùng đất mới muôn khó khăn, bất
đồng ngôn ngữ, lạ nước, lạ khí hậu khiến mẹ con bà Hiền đau ốm triền miên.
"Những ngày tháng đầu, nói chuyện hay giao tiếp cùng ai đều phải có
chồng phiên dịch. Xuống đồng cấy lúa, ban đầu mọi người dạy cấy một nhúm mạ
khoảng 3 cây, mình làm theo lâu dần thành quen", bà Hiền kể. Nhờ chăm chỉ
nên vài năm sau vốn tiếng Việt của bà đã được kha khá và dần thành thạo như
người địa phương.
Năm 1963, người con trai đầu của bà Hiền là Tống Văn Hiếu nhập ngũ.
Ba năm sau anh hy sinh tại Rú Nài, tỉnh Hà Tĩnh và một năm sau gia đình mới
nhận được giấy báo tử.
Giờ đây mỗi khi nhắc các anh đã hy sinh, mẹ Hiền lại nghẹn lòng và chưa khi
nào quên được hình ảnh ngày tiễn con lên đường. “Ngày Hiếu lên đường nhập ngũ,
mẹ quàng vào cổ nó cái khăn Pà Pe tự tay dệt từ lúc ở Thái và dúi 10 đồng bạc
vào tay con. Nó rưng rưng nước mắt bảo lo bố mẹ và các em ở nhà đói ăn. Rồi nó
đi miết không biên thư từ lần nào về cho tới lúc hy sinh”, người mẹ 94 tuổi
rưng rưng nhớ lại.
Cùng trong năm nhận được giấy báo tử của con trai đầu, không lâu sau ông
Hiền mất vì bệnh khi cậu con trai út mới 9 tháng tuổi. Cú sốc liên tiếp khiến
người phụ nữ Thái ở tuổi 40 lúc đó suy sụp nhưng cố gượng dậy để nuôi các con
nhỏ khôn lớn.
Nhận tin anh trai hy sinh, con thứ hai và thứ ba của mẹ Hiền là Tống Văn
San và Tống Văn Xiên xin phép: “Anh đã hy sinh thì chúng con phải tiếp bước để
trả thù”. Năm 1968 và 1970 mẹ lần lượt tiễn hai người con trai thứ hai và ba
nhập ngũ. Tin dữ đến vào năm 1972 với giấy báo tử anh Tống Văn Xiên hy sinh tại
mặt trận Lào.
“Thằng Xiên viết được một lá thư về, dặn mẹ là đừng có đánh thằng út và cố
gắng nuôi các em ăn học. Nó còn bảo con bận đánh nhau với giặc nên không có
thời gian để viết thư về cho mẹ nữa, mẹ thông cảm. Không ngờ sau đó nó hy
sinh”, mẹ Hiền hồi tưởng.
Hơn nửa thế kỷ về sinh sống tại xứ Nghệ, người mẹ mang dòng máu Thái Lan
mới chỉ hai lần trở về thăm quê và người thân. Mong ước của mẹ giờ đây là thêm
một lần trở lại Thái Lan để thăm họ hàng nhưng sức khỏe không cho phép.Ngoài
hai liệt sĩ, mẹ Tống Thị Hiền còn có ba người con khác tham gia chiến trường.
Cuối năm 2014, mẹ được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Hiền cũng
từng nhiều năm được bà con cử làm xóm trưởng ở Thái Hòa.
Hải Bình - doisong.vnexpress.net