15/1/15

Phạt tù vì say rượu vẫn lái xe

(ĐSPL)- Từ ngày 31/12/2014, Luật Say rượu lái xe sửa đổi của Thái Lan có hiệu lực pháp luật. Theo đó, những tài xế nào đang lưu thông phương tiện trên đường, từ chối việc để cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn sẽ bị coi là say xỉn trong lúc lái xe và bị truy tố ra trước cơ quan pháp luật. Người vi phạm sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng và phải chịu án tù.

Luật Say rượu lái xe sửa đổi cũng cho phép cảnh sát Thái Lan được chặn xe trong một số tình huống đặc biệt hoặc có bằng chứng lái xe đang say xỉn hay uống quá nhiều rượu bia. Cảnh sát có quyền yêu cầu tài xế mở cửa kính ô tô để đo nồng độ cồn trong cơ thể, thậm chí yêu cầu tài xế đi bộ để kiểm tra có thật sự tỉnh táo hay không? Trường hợp tài xế lái xe ô tô không tuân thủ hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông, người vi phạm sẽ bị bắt ngay và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Cụ thể, mức phạt dành cho người từ chối đo nồng độ cồn khi lái xe có thể bị phạt tiền 10.000 đến 20.000 baht (tương đương từ 300 đến 600 USD) hoặc bị phạt một năm tù.
Người dân Thái Lan đang hết sức hồ hởi khi Luật Say rượu lái xe sửa đổi đi vào cuộc sống. Người dân và giới chức hy vọng trong thời gian tới, tai nạn giao thông sẽ giảm tại đất nước có ngành du lịch phát triển. Theo luật cũ, những tài xế không chịu đo nồng độ cồn sẽ bị phạt 1.000 baht (tương đương 30 USD). Còn khi đo nồng độ cồn quá giới hạn cho phép, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phạt tiền từ 5.000 đến 20.000 baht (tương đương 150 đến 600 USD).
Luật ta: Mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng
Ở Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ hiện hành nghiêm cấm người điều khiển ô tô uống rượu, bia khi lái xe (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn). Tuy chúng ta chưa có chế tài xử phạt tù tài xế uống rượu bia quá quy định cho phép khi tham gia giao thông, nhưng khi tài xế không chịu đo nồng độ cồn theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông hoặc có hành vi chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, thì có thể xử lý hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ.
Như chúng ta đã biết, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ được trang bị rất nhiều máy đo nồng độ cồn để thực thi pháp luật. Cảnh sát giao thông có quyền dừng phương tiện để đo nồng cồn đối với bất cứ người điều khiển phương tiện giao thông nào có biểu hiện uống nhiều rượu bia khi tham gia giao thông. Nếu nồng độ cồn quá mức cho phép, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt hành chính với số tiền rất lớn.
Khoản 8, Điều 5 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở; b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma tuý, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ".
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giữ phương tiện đến 7 ngày và xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe hai tháng.
Nếu người điều khiển phương tiện uống nhiều rượu bia, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Khoản 9, Điều 5 Nghị định 171).

LG.PHAN ANH - doisongphapluat.com