16/1/15

Dùng đường Thái hay đường Lào?

(saigondautu)- Ngành mía đường Việt Nam đang phải chống chọi với 2 đối thủ nặng ký là đường Thái Lan và Lào với giá thành rẻ, sản lượng lớn và thâm nhập thị trường trong nước từ chính ngạch tới nhập lậu. Nếu không có giải pháp hỗ trợ, trong tương lai gần
người tiêu dùng nước ta sẽ chỉ còn lựa chọn ăn đường Thái hay đường Lào.
Lo đường Lào
Người trồng mía và các nhà máy đường đang lo lắng trước thông tin Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏi ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề nghị của Chỉnh phủ Lào cho phép xuất khẩu 50.000 tấn đường vào Việt Nam với thuế suất 0%. Theo một số DN, số đường này thực chất là đường CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất ở Lào.
Trong khi đó, sản xuất đường trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ nội địa, nếu cộng thêm lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch cam kết khi gia nhập WTO, dự báo năm nay Việt Nam dư thừa khoảng 700.000 tấn đường. Nhiều DN cho rằng họ đang mệt mỏi vì thừa đường, chẳng có lý do gì để Chính phủ lại hỗ trợ một DN sản xuất đường ở nước ngoài rồi đem về Việt Nam tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), năm 2014, HAGL được phép đưa từ Lào về Việt Nam hơn 30.000 tấn đường thô và bên nhập khẩu là Công ty Đường Biên Hòa. Lượng đường này được Đường Biên Hòa tinh luyện rồi xuất đi, song trên thực tế lượng đường HAGL đưa từ Lào về Việt Nam tinh luyện rồi xuất khẩu trở lại không nhiều.
Nguyên nhân do trong năm 2014 việc xuất khẩu đường của các DN trong nước sang Trung Quốc gặp khó khăn; thậm chí có thời điểm giá đường ở Trung Quốc thấp hơn giá bán tại các nhà máy đường ở Việt Nam. Cụ thể, số liệu của VSSA cho thấy, tính đến tháng 11-2014, tổng lượng đường xuất khẩu qua Trung Quốc chỉ đạt 181.000 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 325.000 tấn năm 2013.
Ngay cả Đường Biên Hòa cũng gặp khó. Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Đường Biên Hòa, lý giải chi phí vận chuyển đường thô từ Lào về Việt Nam tinh luyện rồi vận chuyển một quãng đường dài để xuất qua Trung Quốc đã đẩy giá đường từ thấp trở thành cao nên việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó.
Theo ông Hải, để tạo công bằng cho các nhà máy đường trong nước, Chính phủ nên đưa 50.000 tấn đường này vào hạn ngạch nhập khẩu đường theo cam kết WTO và phải chịu thuế 5% như quy định hiện hành, không thể nằm ngoài hạn ngạch và chịu 0% thuế được. Trong Văn bản 10388/BNN-CB gửi Bộ Công Thương đầu tháng 1-2015, Bộ NN-PTNT đã thống nhất số đường nhập khẩu trong năm nay là 81.000 tấn.
Năm 2013, phía HAGL cho biết giá sản xuất đường của tập đoàn này tại Lào vào khoảng 4,4 triệu đồng/tấn, thấp hơn 1/2 mức trung bình của Việt Nam là 12 triệu đồng/tấn và thấp hơn nhiều nước khác như Thái Lan hay Brazil.
Vì thế, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, nhiều lần trấn an các DN trong nước rằng đường của HAGL có thể bán đi đâu cũng được, DN trong nước không nên quá lo lắng về chuyện HAGL đưa đường từ Lào về Việt Nam. Tuy nhiên, nếu giá thành sản xuất đường của HAGL thấp hơn các nhà máy đường tại Việt Nam, tại sao HAGL không xuất thẳng sang Trung Quốc mà phải chuyển về Việt Nam tinh luyện rồi mới xuất đi, khiến giá bán cao vì phải cộng thêm chi phí vận chuyển?
Công khai đường Thái nhập lậu
Theo VSSA, đường lậu đã thâm nhập nước ta từ nhiều năm qua, với số lượng năm sau tăng hơn năm trước, riêng năm 2014 vào khoảng 400.000-500.000 tấn. Số đường nhập lậu này (bao gồm đường trắng và đường luyện xuất xứ phần lớn từ Thái Lan) qua biên giới Tây Nam từ Campuchia, qua biên giới khu vực miền Trung và từ nguồn đường tạm nhập tái xuất ở các cảng, cửa khẩu.
Theo đó, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam chủ yếu tại khu vực các cửa khẩu Vĩnh Xương, Khánh Bình, Tịnh Biên (Châu Đốc, An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp), hoặc vào cửa biển Bến Tre, Sóc Trăng. Tại khu vực này, đường tập kết bên kia sông thuộc Campuchia trên các thuyền hay xà lan lớn, sau đó bốc xuống ghe nhỏ hơn chuyển hàng nhập lậu vào các kho gần các cửa khẩu trên rồi sang bao để chuyển sâu vào nội địa bằng xe tải lớn hoặc bằng ghe lớn có thể lên đến 80-100 tấn.
Tiếp đó, đường được phân phối vận chuyển bằng đường thủy hoặc bộ với các xe tải và ghe tải lớn, tập kết về các kho của các trùm buôn lậu đường tại các tỉnh ĐBSCL và TPHCM. Số đường này được các đầu nậu sang bao (trước đây dùng bao của các thương hiệu trong nước nhưng nay không cần dùng bao có nhãn hiệu trong nước mà dùng bao trắng), sau đó kẹp 1 nhãn hiệu nhỏ của cơ sở đóng gói hoạt động tại địa phương, có trường hợp để y nguyên bao bì nhãn mác đường Thái rồi bán thẳng ra thị trường.
Một lô hàng đường cát nhập lậu.
Theo VSSA, các DN buôn lậu đường Thái Lan còn có thủ đoạn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của các công ty, nhà máy sản xuất đường trong nước, hoặc hồ sơ mua hàng tịch thu hóa giá của các tỉnh biên giới để hợp thức hóa hàng nhập lậu, đối phó khi bị các lực lượng chống buôn lậu bắt.
Một hình thức gian lận thương mại khác là tạm nhập đường để sản xuất rồi tái xuất của một số DN dùng đường làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm khác như sữa, bánh kẹo, kể cả tạm nhập đường thô để luyện thành đường luyện để xuất khẩu.
VSSA nhận định với tình hình này việc nhập lậu số lượng lớn ngày càng tăng và công khai, đã gây thất thu cho Nhà nước, lũng đoạn thị trường và có thể làm phá sản ngành sản xuất mía đường Việt Nam, ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân trồng mía.

Duy Khánh - saigondautu.com.vn