(HQ Online)- Gạo thơm của
Campuchia và Thái Lan đã được trao giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2014. Có lẽ
đây là một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong khuôn khổ Hội nghị Gạo
Thế giới lần thứ 6 diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) mới đây.
Theo ban tổ chức cuộc thi, có
tổng cộng 25 mẫu gạo của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Campuchia,
Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar và Mỹ đã tham gia cuộc thi năm nay. Gạo
Romduol của Campuchia và gạo lứt đỏ của Thái Lan đã đạt giải gạo ngon nhất, chủ
yếu dựa trên tiêu chí hương vị và hình dáng hạt gạo.
Ở chiều tích cực có thể nhận
thấy, các DN XK gạo đã góp mặt ở những hội chợ lớn để quảng bá thông tin giới
thiệu sản phẩm gạo Việt để giao lưu, tìm kiếm khách hàng, đặc biệt còn “mạnh
dạn” tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, gạo Việt chưa đạt giải.
“Trông người lại ngẫm đến ta”.
Nếu nhìn vào thực tế sản xuất lúa gạo Việt Nam hiện nay có lẽ chúng ta đã có
câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao gạo Việt chưa có giải thưởng?”. Việt Nam những
năm gần đây là nước đứng thứ 2 về XK gạo trên thế giới. Cái nhất của gạo Việt
Nam không nằm ở chất lượng hay hương vị mà lại nằm ở số lượng. Tuy nhiên, chính
vì nhất về số lượng nên Việt Nam khó có thể giữ vị trí tốp đầu về XK những năm
tiếp theo bởi lẽ số lượng gạo đã đến “ngưỡng”.
Mặt khác, không có thương hiệu
khiến gạo Việt khó có thể “ẵm giải”. Là nước XK lớn nhất, nhì thế giới nhưng
hiếm ai biết đến gạo Việt Nam. Trong khi đó, lâu nay, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ được
biết đến với những thương hiệu gạo như Khaodakmali (Thái Lan), Jasmine (Mỹ),
hay Basmati (Ấn Độ).
Chưa kể, dù Việt Nam đang dần
thay thế gạo phẩm cấp thấp bằng gạo thơm, gạo chất lượng cao để XK nhưng ở đâu
đó vẫn còn tình trạng làm ăn chụp giật của các thương lái trộn lẫn các loại gạo
cao cấp, thấp cấp với nhau. Việc làm này khiến cho chất lượng gạo Việt Nam
không ổn định dù các bộ, ngành có chủ trương tăng sản lượng gạo phẩm cấp cao,
gạo thơm để tăng giá trị gia tăng cho hạt gạo.
Thực tế ngành lúa gạo Việt Nam
đang đặt ra vấn đề cấp bách là xây dựng thương hiệu gạo. Thương hiệu gạo không
chỉ giải quyết vấn đề giá trị gia tăng cho hạt gạo, lợi ích cho người nông dân
mà còn giúp gạo Việt có chỗ đứng trên bản đồ thế giới. Trách nhiệm này không
chỉ thuộc về người nông dân, DN mà còn phải có sự “xắn tay” của cơ quan quản
lý.
Diệp Anh - baohaiquan.vn