23/12/14

Tập đoàn PTT muốn Petrolimex tham gia dự án lọc dầu Nhơn Hội

(TBKTSG Online)- Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) - một trong hai nhà đầu tư chính của dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội ở tỉnh Bình Định - mong muốn Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tham gia góp vốn vào dự án 22 tỉ đô la Mỹ này.

Lãnh đạo tập đoàn PTT đã trình bày mong muốn này tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối tuần rồi ở Thái Lan, bên lề Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùngMekong mở rộng (GMS) lần thứ 5 tại Bangkok.
Theo Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội Man Ngọc Lý, người có mặt tại buổi gặp gỡ của nhà đầu tư PTT với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong quá trình nghiên cứu dự án, nhà đầu tư PTT mong muốn được hợp tác với một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Ý định chọn Petrolimex của PTT được đưa ra tại buổi gặp với Thủ tướng Việt Nam vào tuần rồi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đề xuất đối tác Việt Nam tham gia dự án nhưng việc Petrolimex có thể tham gia góp vốn vào dự án 22 tỉ đô la Mỹ nói trên hay không thì PTT phải làm việc trực tiếp với phía Petrolimex vì đây là việc hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau.
Trước đây mong muốn của nhà đầu tư PTT là doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án với tỉ lệ góp vốn có thể lên đến 20% (tức là khoảng 4,4 tỉ đô la). Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp Việt Nam, nếu một doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex góp vốn đầu tư vượt 11.000 tỉ đồng (khoảng 500 triệu đô la Mỹ) trở lên thì phải được Quốc hội phê chuẩn; như vậy sẽ rất mất nhiều thời gian và phức tạp.
Tại các cuộc gặp Thủ tướng vào tuần rồi, Chủ tịch tập đoàn PTT cũng bày tỏ ý định tham gia mua cổ phần các lô thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và mong muốn tham gia đầu tư nâng cấp sân bay Phù Cát, Bình Định thành cảng hàng không quốc tế nhằm tạo thêm lợi thế cho dự án tổ hợp lọc hóa dầu và các dự án khác đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội.
Một điểm đáng chú ý là Chính phủ vừa mới có văn bản chấp thuận và cho phép triển khai các bước của dự án này đồng thời cũng chấp thuận đưa dự án vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam với công suất chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm và tiến độ dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo.
Một vấn đề đặt ra là, nếu chưa tìm được nhà đầu tư trong nước nào tham gia dự án thì liệu PTT và đối tác của công ty này là Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Ả-rập Saudi có tiếp tục triển khai dự án để tỉnh Bình Định xem xét việc ra giấy phép đầu tư hay không?
Theo nguồn tin từ tỉnh Bình Định, nhà đầu tư mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp nhà nước Việt Nam và định hướng là Petrolimex nhưng việc có hay không doanh nghiệp Việt Nam tham gia không phải là điều kiện tiên quyết để họ quyết định đầu tư.
Ông Lý cũng cho biết, trước mắt nếu chưa tìm được đối tác trong nước tham gia dự án thì việc góp vốn trong dự án còn có tên gọi là Victory Project này sẽ do PTT và Saudi Aramco góp vốn với tỉ lệ 50:50. Sau này, nếu có nhà đầu tư Việt Nam nào tham gia thì hai đối tác nước ngoài sẽ giảm tỉ lệ góp vốn tương ứng.
Một vấn đề đặt ra nữa đối với dự án này là liệu giá dầu thô thế giới đang ở đà lao dốc có ảnh hưởng đến quyết định triển khai dự án của nhà đầu tư? Ông Lý cho biết, trong chuyến đến Thái Lan của ông vào tuần rồi câu hỏi này cũng được đặt ra và được nhà đầu tư PTT cho biết việc giá dầu thô giảm sẽ ảnh hưởng nhiều đến các công ty khoan, thăm dò, khai thác dầu khí; còn đối với những dự án hạ nguồn như Victory Project thì sẽ thuận lợi hơn khi triển khai.
Ưu đãi dự án có nhiều?
Về cơ chế, chính sách của dự án tổ hợp hóa dầu này, trước đây nhà đầu tư đề nghị thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc là dự án được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm đầu; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Về gia hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn, trên cơ sở kết quả thiết kế tổng thể (FEED) của chủ đầu tư.
Dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu dầu thô; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được để xây dựng nhà máy. Chính phủ bảo đảm ổn định pháp luật về đầu tư theo qui định tại Luật đầu tư hiện hành; bảo đảm quyền tham gia vào dự án của các nhà đầu tư và các nhà cho vay theo qui định của pháp luật Việt Nam; bảo đảm việc cân đối ngoại tệ cho dự án theo qui định tại Pháp lệnh quản lý ngoại hối và các qui định pháp luật Việt Nam khác liên quan. Chính phủ cũng ủng hộ quyền ưu tiên mở rộng công suất của dự án.
Đồng thời, dự án được bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam theo cơ chế thị trường và qui định của pháp luật Việt Nam, được tổ chức kinh doanh phân phối sản phẩm của dự án ra thị trường theo qui định hiện hành về kinh doanh sản phẩm xăng dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu.
Chính phủ không cam kết về thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu, hóa dầu của dự án.
Mặc dù dự án Nhơn Hội được áp dụng những chính sách ưu đãi cao nhất hiện nay, nhưng theo giới phân tích, ưu đãi cho dự án này không bằng những dự án tương tự được cấp phép trước đây như dự dự án lọc dầu Nghi Sơn vì trước đây Việt Nam chưa có hoặc còn thiếu những dự án loại này nên chính phủ ưu tiên và có chính sách ưu đãi tốt hơn như bảo lãnh tín dụng cho dự án...
Dự án Victory được thực hiện với quy mô diện tích khoảng 1.400 héc ta tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 tỉ đô la Mỹ. Khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỉ đô la Mỹ.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của dự án.
UBND tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo. Trong đó, cần lưu ý dự án phải đáp ứng yêu cầu công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại; tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm của dự án theo qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành, bảo đảm về an toàn và bảo vệ môi trường; làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư, của nhà nước và tỉnh Bình Định trong dự án; rà soát chặt chẽ về tính pháp lý trước khi cấp phép, nhất là các điều khoản về cam kết trách nhiệm của phía Việt Nam...

Hùng Lê - thesaigontimes.vn