(BBC)- Một diễn đàn quốc tế về
nhân quyền đang diễn ra tại thành phố Khon Kaencủa Thái Lan, giữa
lúc chính quyền quân sự nước này bị cáo buộc vi phạm quyền tự do.
'Liên hoan Nhân quyền
Isaan lần thứ 7' được tổ chức hôm 10/12 - ngày 'Nhân quyền Quốc tế' và cũng là
'Ngày Hiến pháp' của Thái Lan.
Đại sứ Anh quốc, ông Mark Kent,
tại buổi đối thoại nhân quyền
Sự kiện, được tài trợ
bởi chương trình 'Hỗ trợ Đối thoại Chính sách giữa Thái Lan-EU' của Liên hiệp
châu Âu, có mục tiêu giúp người dân địa phương "hiểu hơn về kinh nghiệm và
các hoạt động về nhân quyền tại các quốc gia khác", và giúp "cộng
đồng quốc tế hiểu hơn về những thách thức mà các cộng đồng ở vùng đông bắc Thái
Lan đang phải đối mặt," theo thông cáo của ban tổ chức đăng trên
The IssanRecord, một trang tin địa phương.
Nhiều nhà ngoại giao
nước ngoài tại Thái Lan, bao gồm các đại sứ từ Canada,New Zealand và
Anh quốc, đã có bài phát biểu tại buổi đối thoại.
"Cộng đồng quốc
tế đã nêu rõ lập trường của mình, trong đó cho rằng tiến trình cải cách hiện
nay tại Thái Lan sẽ cần nhiều thời gian. Nhưng chúng tôi cũng giải thích rằng
việc tôn trọng nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong quá trình đó," Đại
sứ Anh quốc tại Thái Lan, ông Mark Kent, nói với BBC.
"Trong bất cứ xã
hội nào, nếu chúng ta muốn thảo luận về một giải pháp toàn diện, thì cần có một
hệ thống truyền thông tự do, hoạt động tích cực, có khả năng giám sát việc thực
thi quyền hành, giám sát tham nhũng cũng như chuyển tải thông tinnhằm thúc
đẩy sự hiểu biết chung trong toàn xã hội."
"Quyền báo chí,
quyền tự do lập hội, tự do biểu đạt đều rất quan trọng cho quá trình phát triển
xã hội lẫn kinh tế".
Khi được hỏi những
cuộc đối thoại như lần này tác động đến người dân địa phương ra sao và liệu có
ảnh hưởng tới các quyết định của chính quyền hay không, ông nói:
"Chúng ta cần
hiểu rõ rằng cộng đồng quốc tế không có vai trò can thiệp vào việc nội bộ của
Thái Lan. Thái Lan sẽ phải tự tìm giải pháp riêng cho các thách thức mà nước
này đang đối mặt".
"Những gì chúng
ta có thể làm lúc này là trao đổi góc nhìn, thông tin và kinh nghiệm xử lý
những vấn đề như thế này. Đây cũng là dịp để cộng đồng địa phương bày tỏ những
thách thức mà họ đang đối mặt".
Các sinh viên Thái Lan bị bắt giữ do chào bằng
ba ngón tay - biểu tượng phản kháng trong bộ phim Đấu trường Sinh tử - trước
Thủ tướng Prayuth
'Rơi vào câm lặng'
Diễn đàn nhân quyền
tại Thái Lan diễn ra giữa lúc chính quyền quân sự nước này đang đứng trước
nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền từ trong lẫn ngoài nước.
"Chúng ta đang
chứng kiến sự câm lặng bao trùm lên Thái Lan - những hạn chế khắc nghiệt đang
chà đạp lên quyền tự do ngôn luận và bóp nghẹt xã hội dân sự mạnh mẽ trước
đây", ông Richard Bennett, Giám đốc châu Á-Thái Bình Dương của Ân xá Quốc
tế nói trong một báo cáo hôm 9/12.
"Việc phủ nhận
không gian tranh luận và bỏ tù những tiếng nói chỉ trích ôn hòa bằng luật phạm
thượng sẽ không thể mang lại sự hòa giải dân tộc mà chính quyền đã hứa
hẹn".
Kể từ khi nắm quyền
hồi 22/5 năm nay, ít nhất 24 cá nhân đã bị bắt giữ theo Điều 112 Bộ Luật Hình
Sự, vốn xem việc chỉ trích gia đình Hoàng gia là trái pháp luật, theo Ân xá
Quốc tế.
"Việc lạm dụng
hệ thống tư pháp và sử dụng một cách tùy tiện các điều luật áp bức - trong đó
có luật phạm thượng - để trấn áp những tiếng nói bị cho là trái chiều cần phải
chấm dứt ngay lập tức," ông Bennett nói thêm.
Trong một bài xã luận
trên tờ Bangkok Post hôm 9/12, cây bút Achara Ashyagachat nói chính quyền Thái
Lan đang tăng cường sử dụng quyền lực để đàn áp những tiếng nói trái chiều.
Các mệnh lệnh từ
"Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia" đã tạo nên "những bức
tường thép trên khắp đất nước", tác giả viết.
"Thiết quân luật
đã cho phép quân đội tạm giữ người dân trong bảy ngày mà không cần trát từ tòa.
Nó cũng ngăn chặn những kênh tư pháp thông thường khác".
"Trong lúc toàn
bộ thế giới đánh dấu tầm quan trọng của nhân quyền ... Đây là tình trạng hiện
nay của Thái Lan dưới sự cầm quyền của chính quyền quân sự".
(bbc.co.uk)