(vnexpress)- Hàng Thái từ
biên giới, hàng Nhật theo chân các đại gia bán lẻ đang tràn vào thị trường Việt
Nam từ chợ truyền thống, siêu thị, thậm chí đến vỉa hè.
Khảo sát của VnExpress.net dọc các con
đường ở TP HCM như Nguyễn Trãi (quận 5), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh),
Nguyễn Tất Thành (quận 4), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)... bảng hiệu
quảng cáo hàng Thái Lan, Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện nhan nhản.
Tại vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), dép
Thái Lan giá 30.000-55.000 đồng được chất thành đống. Chủ hàng cho biết, toàn
bộ sản phẩm được lấy từ biên giới Campuchia, không mất nhiều chi phí nên
giá bán chỉ dao động quanh mức này.
Dép mang mác Thái được đổ đống
bán ở vỉa hè TP HCM. Ảnh: Hồng Châu.
“Trước đây tôi kinh doanh dép Việt Nam, Trung
Quốc nhưng người tiêu dùng không còn mặn mà. Trong khi đó, hàng Thái ngày càng
được chào bán rộng rãi ở biên giới, giá lại rẻ nên tôi quyết định chọn mặt hàng
này để thay thế ”, chủ hàng nói.
Chị này cho biết thêm, hiện nay ở khu vực biên giới, hàng
Thái được bày bán đầy rẫy với nhiều chủng loại từ mỹ phẩm, thực phẩm, bột giặt,
đồ gia dụng đến các nhóm sản phẩm may mặc, mùng mền.
“Hàng Thái rẻ hơn hẳn so với các nhóm hàng ngoại khác,
nếu chăm chỉ đi qua Hà Tiên (Kiên Giang) để tới Kampot, Kokong hay cảng
Sihanoukville (Campuchia) thì còn chọn được nhiều món hàng độc về kinh doanh,
lời gấp 3-4 lần so với hàng bình thường”, chị nói.
Ngoài hàng mang nhãn mác Thái, hàng Nhật hiện nay cũng
được mang ra bán ở vỉa hè. Trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), áo thun Nhật
được treo bán nhiều ở lề đường vào mỗi buổi sáng, giá chỉ 35.000 đồng một áo.
Theo người bán ở đây, các sản phẩm này được xách tay từ Nhật về, một số khác
được lấy từ các chợ sỉ, đa số là hàng “xi” nên giá rẻ. “Dù là hàng xi nhưng
hàng Nhật chất lượng tốt nên nhiều người tiêu dùng vẫn khá ưa chuộng”, chị Hoa
bán hàng ở đây cho biết.
Bên cạnh việc giới buôn đổ xô chuyển từ kinh doanh hàng
Trung Quốc sang sản phẩm Thái, Nhật, ngay cả dân văn phòng hiện nay cũng tranh
thủ gom các mặt hàng này bán rầm rộ qua các kênh như chợ phiên, online.
Thanh, một nhân viên công ty truyền thông (quận 1) cho
biết đang rất hứng thú với kinh doanh hàng Thái. Ngoài kinh doanh ở chợ phiên
vào 2 ngày cuối tuần, Thanh còn bán thêm mắt kính, giày dép, quần áo qua mạng.
“Hàng Thái giá không cao hơn hàng Việt hay Trung Quốc mà rất phải chăng
nên người tiêu dùng ủng hộ nhiều, nhờ thế mỗi tháng tôi kiếm thêm được 4-5
triệu đồng”, Thanh nói.
Trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi,
hàng Thái Lan cũng được bán rộng rãi. Ảnh: PN.
Không chỉ xâm nhập bằng mọi cách từ vỉa hè, kênh online,
chợ truyền thống, nay hàng Thái Lan, Nhật Bản còn đổ bộ vào các hệ thống siêu
thị ở Việt Nam bằng đường chính ngạch thông qua các đại gia bán lẻ.
Điển hình gần nhất là Tập đoàn Aeon Mall của Nhật Bản,
ngoài mở 2 trung tâm mua sắm lớn ở Việt Nam với lượng hàng đến từ Nhật chiếm
trên 30% thì cách đây vài ngày tập đoàn này còn ký kết hợp tác chiến lược với
Citimart, đơn vị sở hữu gần 30 siêu thị ở Việt Nam. Hai bên dự kiến sẽ mở rộng
hệ thống lên đến 500 trung tâm vào 2025. Như vậy, tương lai nguồn hàng khổng lồ
từ Nhật ồ ạt vào Việt Nam sẽ không còn xa.
Cũng nhanh chân chiếm thị phần ở Việt Nam, Tập đoàn Berli
Jucker (BJC) của người giàu thứ ba Thái Lan (theo số liệu của Forbes) - ông
Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ
Metro Cash & Carry Việt Nam. Một quản lý cấp cao vừa "cập bến" Metro
sau khi chính thức đổi chủ, cho biết chắc chắn khi đã hoàn tất mọi khâu chuyển
giao vào năm 2015, 19 trung tâm của Metro trên cả nước sẽ là điểm đến hứa hẹn
hấp dẫn cho hàng Thái Lan vào Việt Nam.
Ngoài các hệ thống trên, tại các điểm phân phối như
Parkson, Maximart hay một số cửa hàng tiện lợi như Family Mart, B’s Mart...
hàng hóa Thái Lan, Nhật Bản đa dạng về chủng loại và mẫu mã từ đồ gia dụng,
điện tử, thời trang, rau củ quả tươi đang được bày bán rất phổ biến và chiếm tỷ
lệ cao.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 10 tháng đầu
năm, Trung Quốc dẫn đầu trong xuất hàng hóa vào Việt Nam với 35 tỷ USD, Hàn
Quốc 17 tỷ USD. Riêng Nhật Bản và Thái Lan lần lượt vươn lên vị trí thứ 3 và
thứ 5 với 10,3 và 5,8 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng rau quả từ Thái, vải các loại
của Nhật chiếm số lượng và tốc độ tăng trưởng mạnh. Nếu tính riêng về đường
nhập khẩu chính ngạch, rau quả Thái Lan đã soán ngôi sản phẩm cùng loại nhập từ
Trung Quốc mấy tháng gần đây tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, 10 tháng đầu năm
rau củ quả Thái Lan vào Việt Nam lên tới 138 triệu USD, cao hơn Trung Quốc 20
triệu USD.
Hồng Châu - kinhdoanh.vnexpress.net