25/11/14

Chính quyền Thái Lan đối mặt với nhiều khó khăn mới

(VOV.VN)- Thủ tướng Thái Lan Prayuth tỏ ý lo ngại sự bất đồng chia rẽ giữa các phe phái, tầng lớp xã hội và các hoạt động phản đối chính quyền.
Trong mấy ngày qua, chính quyền Thái Lan đang phải đối mặt với những khó khăn mới, trong bối
cảnh Thủ tướng Thái Lan Prayuth mong muốn thúc đẩy tiến trình cải cách với trọng tâm là soạn thảo Hiến pháp mới theo đúng lộ trình; đồng thời tìm mọi biện pháp để vực dậy nền kinh tế Thái Lan đang bị chững lại.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth đã kêu gọi các cơ chế của chính quyền đồng lòng nhất trí như "5 dòng sông đổ về một hướng" để thực hiện thành công tiến trình cải cách.
 Thủ tướng Thái Lan Prayuth (Ảnh AFP)

Trên thực tế, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp đã bắt đầu tích cực triển khai các hoạt động thu thập ý kiến đóng góp của các phe phái đối với nội dung dự thảo Hiến pháp mới.
Chính phủ và Hội đồng lập pháp quốc gia cũng khẩn trương xem xét thông qua những đạo luật mới hoặc sửa đổi bổ sung cả về chính trị - kinh tế - xã hội nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của chính quyền và phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Prayuth cũng tỏ ý lo ngại sự bất đồng chia rẽ giữa các phe phái, tầng lớp xã hội và các hoạt động phản đối chính quyền Thái Lan có thể gia tăng, sẽ tác động tiêu cực tới tiến trình cải cách.
Đáng chú ý, tại Thái Lan gần đây đã có những hoạt động mang tính biểu tượng của một số nhóm sinh viên nhằm phản đối đảo chính và chính quyền quân sự. Một số nhà hoạt động xã hội, trí thức Thái Lan cũng lên tiếng phản đối việc chính quyền Thái Lan tiếp tục hạn chế quyền tự do ngôn luận của báo chí và người dân.
Nhiều nhà phân tích chính trị Thái Lan cho rằng Hiến pháp mới của Thái Lan phải là Hiến pháp "của dân, do dân và vì dân". Do đó, bản Hiến pháp này phải phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của toàn dân và phải được người dân chấp nhận.
Tuy nhiên, việc chính quyền Thái Lan tiếp tục duy trì thiết quân luật; ngăn cấm mọi hoạt động phản biện của các phe phái, tầng lớp xã hội, sẽ khiến ý kiến đóng góp của người dân không đầy đủ, thiếu sức nặng và không có tầm ảnh hưởng đối với tiến trình cải cách và việc soạn thảo Hiến pháp mới.
Một số nhà nghiên cứu Thái Lan còn cho rằng, nếu thiếu sự đóng góp ý kiến rộng rãi của nhân dân đối với tiến trình cải cách và soạn thảo Hiến pháp, thì chẳng khác gì "5 dòng sông" mà Thủ tướng Thái Lan Prayuth đề cập ở trên sẽ trở nên "khô cạn vì không có nước", khiến cho tiến trình cải cách và soạn thảo Hiến pháp sẽ bị bế tắc và không đạt được thành công như chính quyền Thái Lan mong muốn. 
Đa số dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đang kiến nghị chính quyền phải nới lỏng hoặc bãi bỏ thiết quân luật; giảm hạn chế quyền tự do ngôn luận để tiến trình cải cách và soạn thảo Hiến pháp mới thể hiện được ý chí, lợi ích của toàn dân./.

Tống Sơn/VOV-Bangkok (tổng hợp) - vov.vn