(ANTĐ)- Nhằm đẩy mạnh cuộc chiến
chống ma túy trong khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa chính
thức cho ra mắt Trung tâm hợp tác ASEAN (ASEAN-Narco), đặt tại thủ đô Bangkok
của Thái Lan.
Đây là nỗ lực
mới nhất của các nước Đông Nam Á trong việc thực hiện mục tiêu “ASEAN không ma
túy vào năm 2015”. Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của
LHQ (UNODC), tỷ lệ sử dụng ma túy trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp với
khoảng 243 triệu người - tương đương 5% dân số thế giới ở độ tuổi từ 15-64 đã
từng sử dụng trái phép các chất ma túy. Trong số đó, khoảng 27 triệu người,
chiếm 0,6% dân số trưởng thành trên toàn cầu, rơi vào tình trạng lệ thuộc ma
túy.
Thiêu hủy ma túy trong một vụ buôn lậu ở Campuchia
Là trung tâm sản xuất, chế biến và buôn bán ma
tuý lớn thứ hai trên thế giới, Đông Nam Á luôn là “điểm nóng” thu hút sự chú ý
của dư luận. Từ lâu, cả thế giới đã biết tới cái tên “Tam giác vàng”, khu vực
rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới Myanmar, Thái Lan và Lào. Sau một thời
gian lắng dịu do bị truy quét, buôn bán ma túy ở khu vực này đang nhộn nhịp trở
lại. Theo UNODC, mỗi năm “Tam giác vàng” sản xuất hàng trăm tấn heroin, mang
lại nguồn lợi nhuận hàng chục tỷ USD.
Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng của thị trường ma
tuý khu vực và thế giới thay đổi, “Tam giác vàng” đã chuyển hướng sang sản xuất
và buôn bán ma tuý tổng hợp. UNODC ước tính, khu vực Đông Nam Á sản xuất mỗi
năm hàng trăm triệu viên ma tuý tổng hợp methamphetamine, trị giá hàng tỷ USD.
Ông J. Douglas, Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của
UNODC, thừa nhận: “Thị trường ma túy tại Đông Á và Đông Nam Á rất sôi động và
có dấu hiệu cho thấy đang mở rộng mạnh mẽ”.
Chính vì địa hình phức tạp, hiểm trở và nguồn
lợi nhuận khổng lồ nên cuộc chiến chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử
dụng ma tuý trái phép trong ASEAN vô cùng gian nan. Ở “Tam giác vàng” hiện nay,
có ít nhất 7 hoặc 8 tổ chức mafia đang thống lĩnh khu vực, bao gồm những nhóm
người Myanmar, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng tổ chức vận chuyển ma túy
xuyên suốt khu vực và thường xuyên thay đổi phương thức, tuyến đường hòng qua mặt
lực lượng chức năng.
Ngăn chặn tệ nạn ma túy đã trở thành nhiệm vụ
cấp bách đối với các nước ASEAN. Để hoàn thành mục tiêu “ASEAN không ma túy vào
năm 2015”, các nước thành viên ASEAN không còn cách nào khác là phải đạt được
thành công trong việc ngăn chặn và cắt giảm các hoạt động trồng, buôn bán ma
túy, cũng như ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại chất gây nghiện.
Với sự ra đời của Trung tâm hợp tác ASEAN, Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á hy vọng sẽ tạo được bước đột phá trong cuộc chiến
chống nạn ma túy trong khu vực. Trước mắt ASEAN-Narco tập trung vào vấn đề thực
thi luật phòng chống ma túy, sau đó sẽ mở rộng sang các lĩnh vực liên quan đến
kiểm soát ma túy. ASEAN-Narco sẽ là diễn đàn tăng cường hợp tác và chia sẻ
thông tin các vấn đề liên quan đến kiểm soát ma túy giữa các nước thành viên
ASEAN, cũng như giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với cam kết
chính trị của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, hy vọng tệ nạn ma tuý trong
khu vực sẽ sớm bị đẩy lùi.
HOÀNG SƠN - anninhthudo.vn