(Khampha)- Quần áo, mỹ phẩm Thái Lan “càn quét”
thị trường Việt khiến doanh nghiệp trong nước lo ngay ngáy vì khó cạnh tranh.
Sốt hàng thời trang Thái trên thị trường Việt
Khác với những năm trước đây khi mặt hàng Trung Quốc
chiếm lĩnh thị trường, ngày nay,
người tiêu dùng Việt đã chẳng còn mấy mặn mà
với những trang phục, mỹ phẩm được gắn mác “Made in China”. Nhận thấy “thời
điểm vàng” này, các mặt hàng quần áo, dầu gội, mỹ phẩm Thái Lan đã “đổ bộ” đúng
lúc, tạo thành “cơn bão” lớn càn quét các thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam.
Thời trang, mỹ phẩm Thái Lan ngập tràn thị trường
Việt.
Dạo qua những siêu thị, phố buôn bán quen thuộc từ Bắc
chí Nam, chị em dễ dàng nhận thấy những quầy hàng trưng biển: “Hàng Thái Lan”,
“Áo phông Thái Lan”… mọc lên như nấm. Lượng khách ra vào tại những cửa hàng này
luôn ổn định, thường là những khách hàng trung lưu, có điều kiện kinh tế từ khá
trở lên.
Các mặt hàng Thái Lan được người Việt yêu thích nhất là
áo phông, quần jeans, quần áo trẻ em, các loại mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, thuốc
giảm cân…
Trăm ngả vào Việt Nam của hàng Thái Lan
Sở dĩ hàng Thái Lan “chinh phục” được chị em Việt là vì
hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong khi người Việt đã bão hòa,
“tẩy chay” những kiểu váy áo Trung Quốc giá rẻ nhưng chất liệu và gia công đều
kém thì hàng Thái Lan tràn vào, vừa đáp ứng tiêu chí giá cả phải chăng, so với
thời trang Hàn Quốc, Nhật Bản, vừa có chất lượng tương đối tốt.
Chị Hạnh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) từng kinh doanh hàng
Thái Lan lâu năm cho biết: “Cả khách nam lẫn nữ đều thích hàng Thái, vì
dễ mặc mà chỉn chu hơn hàng Trung Quốc. Áo phông Thái có chất liệu dày dặn hơn
hẳn, thấm hút mồ hôi tốt là mặt hàng năm nào cũng chạy.”
Hàng Thái Lan “đổ bộ” Việt Nam qua nhiều con đường khác
nhau. Nhờ có sự góp mặt của các “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh Thái Lan,
các mặt hàng của quốc gia láng giềng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt.
Một trong số đó phải kể đến việc trung tâm mua sắm R. của nhà bán lẻ Central,
Thái Lan vừa được cấp phép đưa vào hoạt động ở TP.HCM.
Trước đó, trung tâm R. cũng đã ra mắt rầm rộ tại Royal
City, Hà Nội. Những sản phẩm được bán tại khu thương mại hào nhoáng nhưng lại
rất hợp túi tiền người Việt dự kiến sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới.
Không chỉ dừng lại ở các khu thương mại, siêu thị, hàng
Thái Lan cũng xuất hiện ồ ạt tại các phố buôn bán, cửa hàng và các trang kinh
doanh trực tuyến. Ở thành phố Hồ Chí Minh, người dân dễ tìm thấy quần áo, mỹ
phẩm Thái tại chợ An Đông, chợ Bình Thới… Tại Hà Nội, hàng Thái có bán tại các
phố Kim Mã, phố Phạm Ngọc Thạch…
Một cửa hàng kinh doanh giày dép Thái Lan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Thái Lan cũng thường xuyên
phối hợp, tổ chức các hội chợ giới thiệu mặt hàng tiêu dùng tại Triển lãm Giảng
Võ, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô… thu hút sự quan tâm của nhiều chị em.
Nhìn thấy mối lợi từ kinh doanh hàng Thái, nhiều người
cũng kinh doanh các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm dưới hình thức “xách tay”. Họ
mở các cửa hàng bán online hoặc kiếm thêm bằng cách bán cho người quen sau mỗi
dịp đi công tác, du lịch tại quốc gia này.
Chị Lan Hoa (Hoa Lư, Hà Nội) là giám đốc một trung tâm
tiếng Anh đa quốc gia, có cả trụ sở tại Thái Lan. Mỗi lần đi công tác tại đây,
chị đều không quên “xách” về vô vàn mặt hàng đủ chủng loại từ quần áo, túi
xách, phụ kiện, giày dép cho tới mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm dê… Chỉ loanh quanh
bán cho những người quen biết nhưng hàng của chị Hoa lúc nào cũng hết veo.
Người dân đổ xô vào mua sắm tại các hội chợ triển
lãm hàng Thái Lan.
Hàng Thái vào Việt Nam: Đáng mừng hay đáng lo?
Thời trang, mỹ phẩm Thái Lan ngập tràn thị trường Việt
giúp nâng cao chất lượng đời sống của người Việt nhưng cũng đặt ra một bài toán
lớn cho những nhà kinh doanh nội địa.
Trên thực tế, thói quen “sính ngoại”, chuộng hàng Thái ăn
sâu vào tâm tưởng người Việt khiến họ đôi khi đánh giá quá cao hàng Thái so với
hàng Việt. Trước sự thâm nhập sâu của quần áo, mỹ phẩm Thái, doanh nghiệp Việt
càng thêm khó khăn trong việc bán cho khách hàng nội địa, càng khó hơn nếu định
“mang chuông đi đánh xứ người”.
Hiện nay, hàng Thái Lan còn đang chịu thuế, giá bị đội
lên mà vẫn hút khách. Trong tương lai, với quá trình hội nhập ngày càng nhanh,
giá thành hàng Thái dự kiến còn thấp hơn, khiến việc cạnh tranh của các sản
phẩm thời trang, mỹ phẩm nội địa càng trở thành bài toán khó giải.
Cho đến nay, dù nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận thức rõ
mối nguy này, tìm cách sáng tạo, đổi mới phương pháp tiếp cận với người tiêu
dùng nhưng xem ra, tâm lý “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” vẫn còn được đặt
ở dạng nghi vấn.
Hạ Vũ - khampha.vn