19/9/14

Thái Lan đối mặt với sức ép phải thả nổi giá đường bán lẻ

(vietnamplus)- Thái Lan đang đối mặt với sức ép phải thả nổi giá đường bán lẻ trước khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
Sự ra đời của AEC có thể mở cửa để đường nhập khẩu giá rẻ hơn tràn vào Thái Lan, gây khó đối với các nhà máy chế biến đường tại nước này.

Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, đã điều chỉnh giá bán lẻ cao hơn giá trên thị trường để đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Các nhà máy đường Thái Lan cho biết giá đường bán lẻ trong nước hiện ở mức 23,5 baht/kg (0,73 USD/kg), cao hơn khoảng 5 baht so với mức giá chưa có sự điều chỉnh của chính phủ, trong lúc giá thế giới là 15 baht/kg đường.
Thái Lan vẫn còn khoảng 3 triệu tấn đường chưa tiêu thụ hết. (Nguồn: Bloomberg)
Trong bối cảnh nguồn cung dư thừa khiến giá đường thế giới từ đầu năm tới nay giảm 13% và Thái Lan vẫn còn khoảng 3 triệu tấn đường chưa tiêu thụ hết, nước này cần hạ giá bán lẻ để tránh tình trạng "quá tải" tại các kho dự trữ.
Ông Chalush Chinthammit thuộc Khon Kaen Sugar, nhà sản xuất đường lớn thứ tư của Thái Lan, tỏ ý lo ngại đường giá rẻ từ các nước khác sẽ đổ vào Thái Lan, khi AEC quy định thuế nhập khẩu đường là 0% và nhất là khi giá đường trong nước cao.
Một thị trường chung của khu vực ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm tới, cho phép một loạt hàng hóa, dịch vụ và lực lượng lao động dịch chuyển tự do trong 10 nước Đông Nam Á, trong đó có các nước nhập khẩu đường chủ chốt như Indonesia, Philippines và Malaysia.
Trong khi các nước làng giềng của Thái Lan không phải là những quốc gia xuất khẩu đường, đã xuất hiện các mối quan ngại rằng một khi AEC có hiệu lực, mặt hàng này từ các nước sản xuất lớn như Brazil có thể tìm cách xâm nhập vào thị trường Thái Lan thông qua hoạt động giao thương biên giới tại các quốc gia thành viên AEC như Campuchia, Lào và Malaysia.
Chính phủ mới của Thái Lan hiện đang nỗ lực hạn chế diện tích trồng lúa gạo bằng cách thuyết phục nông dân chuyển sang trồng mía, với hy vọng khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn sau khi AEC có hiệu lực.
Tổ chức Đường Quốc tế dự báo, thị trường đường toàn cầu năm 2014-2015 rơi vào tình trạng dư cung 1,3 triệu tấn./.

(vietnamplus.vn)