23/9/14

Công nghiệp hỗ trợ lẹt đẹt, DN Nhật muốn bỏ Việt Nam

(baodatviet) - Một số doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan khi mức thuế suất các mặt hàng trong khối ASEAN giảm xuống bằng 0.
Ông Sukurada Yoichi, nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản)
cho biết trong buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) diễn ra vào cuối tuần qua.
Nhật Bản cân nhắc chuyển nhà máy sang Thái Lan
Tờ Vietnamnet dẫn lời ông Sukurada Yoichi cũng cho biết, ông cùng các cộng sự của mình và công ty Foval, hai đơn vị được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ủy thác, đang tiến hành khảo sát, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về 6 ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực của Việt Nam, gồm: máy nông nghiệp; chế biến thực phẩm; điện tử; ôtô và phụ tùng ô tô; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Chương trình khảo sát được tiến hành tại Hà Nội, TP.HCM và một số khu vực lân cận như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương; từ đó, lập ra một danh sách 500 doanh nghiệp hỗ trợ hàng đầu của Việt Nam có nhu cầu hợp tác với Nhật Bản. Chương trình cũng khảo sát nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản (khoảng 20 đơn vị) đang làm ăn tại Việt Nam.
Cũng theo ông Sukurada Yoichi, để hợp tác hai bên có hiệu quả, phía các doanh nghiệp Việt Nam cần chỉ rõ đâu là điểm mạnh của mình trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. "Hiện doanh nghiệp Nhật Bản không nắm rõ được năng lực sản xuất của phía Việt Nam, phải tự đi tìm nên rất khó", ông Sukurada Yoichi nói.
Theo ông Yoichi, giá sản phẩm có thể cao nhưng chất lượng tốt, có ưu thế về kỹ thuật... vẫn được các DN Nhật Bản đón nhận. Ông ví dụ, ở Nhật Bản có những công ty rất nhỏ, chỉ 5 công nhân, nhưng tạo ra những sản phẩm đặc biệt không nơi nào sản xuất được. Tất nhiên, đó là nhờ Nhật Bản đã phát triển công nghiệp hỗ trợ vài chục năm trước, còn Việt Nam gần đây mới quan tâm đến lĩnh vực này.
Nhiều nhà đầu tư phải rời bỏ Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa.
“Tới đây, thuế suất các mặt hàng trong khối ASEAN giảm xuống bằng 0, một số DN Nhật Bản đang cân nhắc chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, vì thế các bạn cần nỗ lực tăng tốc kẻo mất cơ hội”, ông Sukurada Yoichi cảnh báo.
Thực tế, thời gian vừa qua Madaz rồi đến Ford đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam và chuyển sang các nước lân cận vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa.
Hiện, số doanh nghiệp nội làm công nghiệp hỗ trợ rất ít. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với một tỉ trọng ít ỏi.
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), hiện nay tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang phải mua tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 28%, trong khi đó tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, ở Thái Lan là 53% và ở Trung Quốc là 61%.
Còn nhớ, tại Triển lãm Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ diễn ra ở Hà Nội vào đầu tháng 9/2013, Toyota tham gia với một gian trưng bày các sản phẩm muốn tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực hàn, dập, đúc, nhựa và các chi tiết cao su. Nhưng mục đích này đã không đạt được và đây là lần thứ 5 liên tiếp Toyota thất bại trong việc tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện thông qua triển lãm.
Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện mới chỉ 210 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và chủ yếu sản xuất các loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa...
Doanh nghiệp Việt không làm được vỏ Samsung
Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được đánh giá là yếu không chỉ ở ngành sản xuất ô tô mà trong ngành sản xuất linh kiện cho điện thoại di động cũng trong tình trạng tương tự.
Bằng chứng là vừa qua, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã đưa danh sách 170 linh kiện để doanh nghiệp Việt Nam có thê tham gia cung ứng cho GalaxyS4 và Tab tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đã bó tay với cả những linh kiện nghe rất đơn giản như sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe...
Sau đó không lâu, Samsung đã tổ chức cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp Việt Nam với sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tại đâu, đại diện Samsung đã giới thiệu 8 yêu cầu về công nghệ, chất lượng, sự đáp ứng, giao hàng, giá cả, môi trường, tài chính, luật và 13 mục cần tuân thủy đối với các nhà cung cấp cho Samsung.
Samsung cung cấp danh sách 170 linh kiện doanh nghiệp Việt có thể tham gia cung ứng tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn bó tay.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp có mặt tại cuộc gặp gỡ họ hiện vẫn đang là nhà cung cấp cho một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, họ kỳ vọng nhiều vào cuộc hội thảo này. Tuy nhiên sau khi được đại diện Samsung đưa ra những tiêu chí cũng như yêu cầu và cách thức có thể đăng ký làm nhà cung cấp cho Samsung, nhiều doanh nghiệp trong nước lại tỏ ra e ngại hơn, kém tự tin hơn.
Ông Nguyễn Dương Hiệu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty cổ phần Công nghiệp và thương mại Lidovit (KCN Bình Chiểu, TPHCM) cho biết, hàng loạt những tiêu chí mà phía Samsung đưa ra là vô cùng khó khăn.
"Nhà nước và Tập đoàn Samsung không có những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tăng sự cạnh tranh thì sẽ rất khó", ông Nguyễn Dương Hiệu nói.
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Tuấn – Trưởng phòng kinh doanh Nhà máy nhôm Đông Anh (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho biết, với những tiêu chí mà Samsung đưa ra thì doanh nghiệp của ông cũng khó có thể đáp ứng được để trở thành nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam.
Cũng tham gia tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyển – Phó phòng kinh doanh Công ty TNHH Tabuchi Electric Nhật Bản (KCN Đại Đồng, Bắc Ninh) cho biết, với 8 tiêu chí mà Samsung đưa ra có đến 99% doanh nghiệp Việt Nam không chen chân được vào chuỗi cung ứng cho Tập đoàn này.
Không riêng các doanh nghiệp, phía cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Kế hoạch Đầu tư mà đại diện là Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cũng thừa nhận, khó có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được các tiêu chí của Samsung đưa ra.
Về phần mình, ông Trương Thanh Hoài – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, đơn vị soạn thảo Nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam về vốn, công nghệ. Theo đó, ông Trương Thanh Hoài cho biết sẽ hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chí sản xuất.
"Tuy nhiên, quan trọng vẫn là sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, còn sự hỗ trợ của nhà nước chỉ được phần nào. Thực tế phải đánh giá trình độ năng lực của chúng ta đến đâu, trở thành đại lý cấp 3-4 trước dần dần đi lên, chứ không đủ tiêu chí thì không thể làm đại lý cấp 1 ngay lập tức ", ông Trương Thanh Hoài nói.
Những gì đang diễn ra với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khiến nhiều người liên tưởng đến quyết định dừng sản xuất của Sony tại Việt Nam hồi cuối tháng 9/2008 để chuyển hoàn toàn sang kinh doanh thương mại bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng nguyên chiếc.
Mặc dù lý do mà Sony đưa ra do xu hướng hiện nay người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng TV LCD thay vì dùng TV bóng đèn hình, và Sony đã quyết định ngừng sản xuất và kinh doanh mặt hàng TV bóng đèn hình ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đánh giá của nhiều chuyên gia lúc đó nguyên nhân bắt nguồn từ thuế đánh vào linh kiện vẫn cao và đặc biệt là công nghiệp phụ trợ Việt Nam thì vẫn trong tình trạng “lẹt đẹt”, hầu như không có đóng góp đáng kể nào cho sản xuất.

Hà Anh - baodatviet.vn