(VOV.VN)- Tỷ phú Thái đang
từng bước thâm nhập và đa dạng hóa các mặt hàng của Thái Lan tại thị trường
Việt Nam.
Thông tin Tập đoàn Berli Jucker
(BJC) đã thực hiện thành công thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam vào đầu tháng 8
đã khiến ngành bán lẻ
trong nước xôn xao. Metro Cash & Carry Việt Nam vốn
được biết đến là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lĩnh
vực phân phối, với 19 trung tâm tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, với khoảng
3.600 nhân viên toàn thời gian, phục vụ hơn 900.000 khách hàng. Vậy tại sao Tập
đoàn này lại quyết định “sang tay” cho một Tập đoàn của Thái?
Theo công bố của Metro Việt Nam,
trong năm tài khóa 2012 - 2013, doanh thu của công ty đạt 516 triệu Euro (652
triệu USD), một con số không nhỏ cho 19 điểm bán. Thế nhưng, như vậy không có
nghĩa là hoạt động của Metro Việt Nam có lời. Trong 12 năm qua, Metro liên tục
báo lỗ, ngoại trừ năm 2010, doanh nghiệp này công khai khoản lãi 116 tỷ đồng.
Thâu tóm Metro Việt
Nam là một trong những bước đi nhằm tạo dựng thương hiệu Thái tại Việt Nam
(Ảnh: KT)
Có thể nói, thương hiệu Metro coi
nhưng đã đặt dấu chấm hết tại Việt Nam. Ngược lại, với BJC, đây là bước ngoặt
lớn để tập đoàn này thâm nhập mạnh hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên thị
trường bán lẻ trong nước xôn xao bởi cái tên tỷ phú Thái Charoen
Sirivadhanabhakdi, chủ tịch BJC.
Tháng 6 năm ngoái, tỷ phú Thái
Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ Family
Mart tại Việt Nam. Việc mua lại này được tiến hành thông qua công ty liên doanh
Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ tập đoàn Berli Jucker Plc
(BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan). Lời đồn đoán về thương
hiệu bán lẻ này của Nhật sắp rút khỏi thị trường đang dần trở thành hiện thực
khi một số cửa hàng FamilyMart tại TP HCM đã được đổi tên thành B’s mart (B là
ký tự đầu tiên của tập đoàn BJC).
Tờ Bangkok Post cho hay, việc
thôn tính FamilyMart tại Việt Nam thuộc chiến lược mở rộng đầu tư tại khu vực
Đông Nam Á của BJC. Theo báo cáo tài chính quý I của BJC, doanh thu từ thị
trường nước ngoài chiếm 15,2% toàn tập đoàn. BJC đang có kế hoạch nâng phần
doanh thu từ các thị trường nước ngoài lên mức hơn 50% trong vòng 5 năm tới
bằng các thương vụ mua bán sáp nhập.
Tại hệ thống cửa hàng B’s mart,
người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan hoặc do các doanh
nghiệp Thái sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng trong cơ cấu hàng hóa bày
bán.
Vài năm gần đây, BJC không bỏ qua
các cơ hội tham gia thị trường bán lẻ quốc tế cũng như mở rộng hoạt động bán lẻ
tại Thái Lan, dù họ từng thất bại trong việc thâu tóm hệ thống đại siêu thị Carrefour
Hypermarket và Family Mart tại thị trường nội địa.
Tháng 3/2013, Aswin
Techajareonvikul, thành viên Ban Giám đốc BJC trả lời trên Bangkok Post
cho biết, BJC đang hoàn thiện ý tưởng kinh doanh và thương hiệu tại Việt Nam.
Ông cũng ho rằng môi trường cạnh tranh ở Việt Nam không quá khắc nghiệt như ở
Thái Lan.
Lợi thế của BJC tại Việt Nam là
sở hữu 65% cổ phần của Công ty Thái An JSC, một công ty chuyên phân phối và vận
chuyển thực phẩm tại miền Bắc. Công ty này có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố,
có quan hệ thương mại với 200 nhà phân phối phụ, 2.500 nhà bán buôn và hàng
chục ngàn nhà bán lẻ tại chợ truyền thống.
Đặc biệt, vào tháng 12/2012, BJC
đã đầu tư 1 tỷ baht cùng với Tập đoàn Mongkol thành lập Công ty Thai Corp
International Vietnam (TCI) để mở siêu thị tại Việt Nam. Mục tiêu của TCI là
trở thành công ty phân phối và bán hàng Thái Lan lớn nhất tại thị trường Việt
Nam và khu vực Đông Dương.
Giới phân tích cho
rằng mục tiêu của vụ thâu tóm B’s mart cũng như Metro Cash & Carry Việt Nam
của BJC là nhằm tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa Thái Lan sẽ được phân phối
rộng khắp tại Việt Nam cũng như toàn khu vực./.
CTV Thùy Anh/VOV.VN (Tổng hợp)