21/8/14

Thái Lan trước thềm cuộc bầu cử Thủ tướng lâm thời

(VOV.VN)- Đại tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh lục quân, người lãnh đạo cuộc đảo chính hôm 22/5 được coi là ứng cử viên “nặng ký” nhất.
Ngày 21/8, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) tiến hành bầu Thủ tướng lâm thời, một dấu
mốc quan trọng tròn 3 tháng sau cuộc đảo chính quân sự hôm 22/5, lật đổ chế độ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Nhiều khả năng, tướng làm đảo chính Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh lục quân Thái Lan sẽ được bầu vào vị trí này.
Hội đồng Lập pháp NLA họp phiên đầu tiên

Không có nhiều lựa chọn cho các thành viên của Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA), cơ quan có chức năng gần giống với Quốc hội lâm thời. Đại tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh lục quân, người lãnh đạo cuộc đảo chính hôm 22/5 vừa qua được coi là ứng cử viên “nặng ký” và gần như không có đối thủ. Nhiều khả năng, Thái Lan sau đảo chính năm 2014 sẽ khác với cuộc đảo chính gần đây nhất là năm 2006, thời ông Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck Shinawatra là tướng làm đảo chính không đảm nhiệm chức Thủ tướng lâm thời sau đó.
Mặc dù hiện nay là người đứng đầu Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia (NCPO), cơ quan quyền lực cao nhất của lực lượng làm đảo chính, tuy nhiên do Hiến pháp tạm thời không cấm người đứng đầu Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia  làm Thủ tướng lâm thời, vì vậy việc ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng lâm thời của tướng Prayuth Chan-ocha không bị coi là vi hiến.
Thái Lan sau đảo chính tháng 5 năm 2014, một số học giả còn cho rằng quân đội làm đảo chính thì dễ nhưng ngay lập tức “ thay áo” để lãnh đạo đất nước thì lại là chuyện khác. Tuy nhiên với với phản ứng của quốc tế, đặc biệt là hành động “ giơ cao đánh khẽ” của Mỹ, phản ứng chống đối không quyết liệt của lực lượng đối lập, đặc biệt là phong trào Áo Đỏ và quyết định hơn cả là những hoạt động “hành pháp” hiệu quả mà tướng Prayuth Chan-ocha đã thực hiện gần 3 tháng qua cho thấy, đây là một nhân vật văn võ song toàn.
Nhà Vua Thái Lan chấp thuận tướng Prayuth Chan-ocha làm Chủ tịch NCPO

Tướng Prayuth Chan-ocha đã thực hiện cuộc đảo chính hoàn hảo bao nhiêu thì nay, đang làm nhiệm vụ như một Thủ tướng tốt bấy nhiêu. Từ việc đảm bảo an ninh quốc gia, nâng cao trật tự xã hội cũng như thực hiện các dự án phát triển và dân sinh xã hội. Gần đây nhất là hoàn thành trình bày dự thảo ngân sách nhà nước năm 2015 tại Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan. Dư luận Thái Lan gần đây qua một số cuộc thăm dò đều cho thấy tỷ lệ ủng hộ cao tướng Prayuth Chan-ocha vào vị trí Thủ tướng lâm thời.
Có thể thấy, việc bầu Thủ tướng lâm thời và thành lập chính phủ lâm thời là một trong những bước đi chính trong bước 2 của lộ trình cải cách 3 bước mà lực lượng làm đảo chính đã cam kết và thực hiện được. 22/7 Thái Lan có bản Hiến pháp tạm thời, 31/7 thành lập Hội đồng Lập pháp, cơ quan có chức năng tương tự như Quốc hội lâm thời và hôm nay 21/8 là bầu Thủ tướng lâm thời.
Việc quân đội nhanh chóng hình thành các thiết chế của một nhà nước sau đảo chính, sớm hơn dự kiến phần nào đã xoa dịu những lo ngại của lực lượng đối lập về việc quân đội kéo dài thời gian quản lý đất nước. Mặc dù hiện nay Thiết quân luật ban bố từ hôm 20/5 vẫn còn hiệu lực tại Thái Lan, tuy nhiên, cho dù một cơ quan lập pháp hiện có số lượng không nhỏ là người của quân đội và một chính phủ lâm thời, mà nhiều khả năng cũng do nhiều quân nhân đảm nhiệm thì sự ra đời của thiết chế hành pháp cao nhất sẽ mang lại ổn định nhất định đối với chính trường Thái Lan.
Có thể nhìn thấy rõ một loạt thách thức lớn đang chờ Thủ tướng lâm thời Thái Lan. Về kinh tế, Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan vừa công bố số liệu cho biết, tổng sản phẩm quốc nội nước này năm nay có thể chỉ tăng từ 1,5 đến 2%, giảm so với dự kiến trước đây là từ 2 đến 2,5%. Hiện Hội đồng Lập pháp Thái Lan đang xem xét dự thảo ngân sách nhà nước năm 2015 được thực hiện từ 1/10/2014 với con số 2.575 tỷ Bath, tương đương 84 tỷ USD, mức ngân sách cao nhất từ trước đến nay, tập trung mạnh vào giáo dục và quốc phòng với kỳ vọng mức tăng trưởng hơn 4%. Vậy Thái Lan phải làm như thế nào để có thể thực hiện được mục tiêu. Trong khi đó, nhằm tăng sức ép với nước này, Liên minh châu Âu đã giảm bớt hợp tác và hỗ trợ về kinh tế và thương mại với Thái Lan.
Về chính trị, Thủ tướng lâm thời Thái Lan sẽ phải hàn gắn những bất đồng quan điểm vốn đã làm rạn nứt xã hội Thái Lan, là nguyên nhân bùng phát các cuộc bạo động đẫm máu từ cuối năm ngoái đến trước khi có cuộc đảo chính, cướp đi 30 sinh mạng và hơn 700 người bị thương. Sau cuộc đảo chính, chiến dịch đoàn kết, hòa giải dân tộc và ổn định an ninh trật tự xã hội do Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia (NCPO) đứng đầu là đại tướng Pray-út thực hiện phần nào đã có kết quả khả quan.
Từ đó đến nay các cuộc biểu tình, bạo động đẫm máu đã chấm dứt và không còn những tiếng bom, tiếng súng vang lên giữa Bangkok. Hiện Thái Lan vẫn trong tình trạng Thiết quân luật với một số quyền tự do bị hạn chế. Liệu tình hình Thái Lan sắp tới có ổn định hay không, điều này phụ thuộc vào việc chính quyền sắp tới có chinh phục được trái tim và khối óc của người dân? Để Thái Lan ổn định và phát triển như các bên mong muốn./.


Theo Xuân Sơn/VOV-Bangkok