(laodong.com.vn)- Thái Lan hiện được coi là một trong những “thiên đường đẻ
thuê” hấp dẫn đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn ở Châu Âu và Australia vì
giá rẻ cũng như hệ thống luật pháp còn nhiều kẽ hở. Tuy nhiên, nhiều hệ lụy đã
xảy ra từ sự bùng nổ “du lịch sinh sản” ở đất nước này.
Những kỳ nghỉ đích thực và nhiều lợi ích
Trên các trang web của nhiều bệnh
viện, trung tâm sinh sản lớn ở Thái Lan đăng hình ảnh những đứa trẻ xinh đẹp
trong vòng tay âu yếm của bố mẹ, kèm theo đó là quảng cáo hấp dẫn về công nghệ
thụ tinh trong ống nghiệm, đẻ thuê thương mại và lựa chọn giới tính thai nhi.
"Phụ nữ Thái Lan là “ứng viên” hoàn hảo để mang thai hộ. Đó là những phụ
nữ trung lưu, có lối sống lành mạnh trong môi trường an toàn. Khách hàng có thể
kết hợp điều trị với kỳ nghỉ. Một kỳ nghỉ đích thực và nhiều lợi ích", một
dòng quảng cáo được in đậm trên trang web. Nhiều người đã gọi hình thức du lịch
này là "du lịch sinh sản".
Theo thống kê của tổ chức chuyên
về lĩnh vực mang thai hộ ở Thái Lan, khoảng 20 cặp vợ chồng Australia chờ đợi
sự ra đời của con mình ở Thái Lan trong cùng một thời điểm và con số này có sự
ổn định rất cao. Mang thai hộ được coi là hợp pháp ở Thái Lan nhưng với điều
kiện người mang thai hộ phải là anh em ruột thịt trong gia đình. Tuy nhiên, do
hệ thống luật pháp còn nhiều kẽ hở và chưa được áp dụng đồng bộ nên Thái Lan đã
trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những cặp vợ chồng Australia hiếm muộn hoặc
vô sinh, trong đó có cả những cặp đôi đồng tính.
Nhiều phụ nữ Thái Lan tìm đến các trung tâm môi giới mang
thai hộ để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Những hệ lụy
Tuần trước, câu chuyện về cậu bé
Gammy – kết quả của một thỏa thuận mang thai hộ không được nhận nuôi vì lý do
mắc hội chứng down gây xôn xao trên toàn thế giới. Nhiều tờ báo đưa tin,
Pattaramon Chanbua, 21 tuổi, sống cách thủ đô Bangkok khoảng 60 dặm nói với
phóng viên rằng, cô đang phải nỗ lực để chăm sóc cậu bé 7 tháng tuổi mắc hội
chứng down bị cha mẹ “hợp đồng” người Australia bỏ rơi. Pattaramon Chanbua cho
biết thêm, cô đã sinh đôi hai đứa trẻ, một trai, một gái và cô em gái khỏe mạnh
đã được cặp vợ chồng mang đi. Cuộc sống của Pattaramon Chanbua và gia đình vô
cùng khó khăn. Cô là nhân viên bán hàng cho một cửa hàng thực phẩm, lương tháng
rất thấp không thể đảm bảo cuộc sống cho 4 người, bao gồm cả chồng cô và hai
đứa nhỏ, một đứa 6 tuổi và một đứa mới lên 3. “Tôi đồng ý mang thai hộ chỉ vì
tôi cần tiền”, Pattaramon Chanbua chia sẻ. Chồng tôi cũng đồng ý vì chúng tôi
đang cần tiền để trả nợ mà tôi không cần phải quan hệ tình dục với người đàn
ông khác", Pattaramon Chanbua nói tiếp.
Theo thỏa thuận, Chanbua sẽ được
trả gần 9.000 bảng Anh cho việc mang thai hộ. Cặp vợ chồng người Australia đã
rất hài lòng khi phát hiện Chanbua mang song thai. “Tuy nhiên, mọi việc đã thay
đổi và họ yêu cầu tôi phá thai khi kết quả xét nghiệm cho thấy, một trong những
bào thai có khả năng mắc hội chứng down”, Chanbua nói. Tuy nhiên, Chanbua đã từ
chối phá thai và quyết định sinh cả hai đứa trẻ vì cô cho rằng, việc phá thai
là đi ngược lại với niềm tin phật giáo của mình. Chanbua nói rằng, cô đã bị đe
dọa sẽ không được trả tiền nếu nói toàn bộ sự thật với Đại sứ quán Australia
tại Bangkok.
Câu chuyện Chanbua lần đầu tiên
được đăng tải trên một tờ báo ở Thái Lan với tiêu đề “Hy vọng cho Gammy”. Ngay
lập tức, một người lạ đã đề nghị đóng góp hơn 100.000 bảng Anh để thiết lập
website kêu gọi ủng hộ điều trị căn bệnh tim bẩm sinh cho bé Gammy. Thủ tướng
Australia Tony Abbott nói, vụ việc là "một câu chuyện rất buồn bắt nguồn
từ việc kinh doanh đặc biệt nhiều cạm bẫy".
Ông Sam Everingham - Giám đốc của
tổ chức về lĩnh vực mang thai hộ ở Thái Lan nói với phóng viên tờ The Sydney
Morning Herald rằng, đây không phải là trường hợp duy nhất ông nghe về những hệ
lụy liên quan đến việc mang thai hộ. "Gần đây, đã xuất hiện một số bi kịch
về việc mang thai hộ, nhiều cha mẹ nước ngoài không chấp nhận trẻ em khuyết tật
sinh ra thông qua đẻ thuê", ông Sam Everingham nói. Các quan chức Thái Lan
cũng đã lên tiếng về vụ việc. Họ khẳng định, bất cứ ai tham gia vào dịch vụ
mang thai hộ cho các gia đình nước ngoài mà không có sự cho phép của chính phủ
là hành vi buôn bán người và phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật Thái
Lan.
PHẠM TƯỜNG - laodong.com.vn