(sggp)- Chính quyền quân đội Thái Lan đang hy vọng phục
hồi nền kinh tế sau hơn nửa năm rối loạn chính trị và các cuộc biểu tình bạo
động.
Theo thống kê mới được Hội đồng phát triển kinh tế và xã
hội quốc gia Thái Lan công bố, kinh tế Thái Lan bị co cụm hơn 2% trong quý đầu
của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này không gây ngạc nhiên cho các
chuyên gia kinh tế khi mà Thái Lan đã không có một chính phủ hữu hiệu từ tháng
12-2013, thời điểm cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra quyết định tổ chức bầu cử
trước thời hạn. Các hoạt động quy hoạch kinh tế quan trọng đã bị ngưng trệ vì
không có một chính phủ chính thức để xử lý các vấn đề liên quan tới ngân sách.
Chi tiêu của chính phủ, vốn có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế, đã bị
giảm gần 20% và các hoạt động đầu tư của tư nhân cũng bị sụt giảm.
Một động thái mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế
khi Thủ tướng tạm quyền của Thái Lan là tướng Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố chi
trả khoảng 3 tỷ USD khoản nợ quá hạn cho khoảng 800.000 nông dân trồng lúa. Đây
là khoản tiền thuộc chương trình thu mua gạo trợ giá cho nông dân gây tranh cãi
của chính quyền cũ bị các nhóm đối lập tố cáo là bị lạm dụng và mở đường cho
tham nhũng. Nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) Luxman
Attapich cho rằng khôi phục lòng tin và thanh toán cho nông dân là một bước
quan trọng cho việc hồi phục kinh tế ngắn hạn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong những
ngành công nghiệp chính của Thái Lan cũng đã đề xuất các kế hoạch cải cách kinh
tế để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng kinh tế, giải quyết tham nhũng... Ông
Supavud Saicheua, giám đốc Công ty Chứng khoán Phatra, hy vọng kinh tế sẽ phục
hồi trong những tháng tới với mức tăng trưởng khoảng 2% vào cuối năm 2014.
Chuyên gia Luxman thì cho rằng Thái Lan có thể hưởng lợi nhờ những sự cải thiện
của kinh tế toàn cầu, trong đó có sự tăng trưởng đến từ Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, ông Vikas Kawatra, nhà phân tích cấp cao về
môi giới đầu tư chứng khoán của Công ty SCB Securities, lại thận trọng hơn khi
cho rằng bất chấp những nỗ lực của chính quyền quân sự Thái Lan, các nhà đầu tư
nước ngoài vẫn theo cách tiếp cận “chờ và xem” các diễn tiến sẽ xảy ra thế nào.
Thái Lan đã đối mặt với 19 cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính kể từ khi nước
này trở thành một nền quân chủ lập hiến vào năm 1932. Theo ông Kawatra, việc ép
buộc chính phủ tạm quyền của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức có thể
đưa tới những vụ xung đột chính trị khác nữa với những cuộc biểu tình của phe
áo đỏ, lực lượng ủng hộ mạnh mẽ chính phủ của bà Yingluck.
Hãng Reuters cho biết chính quyền quân đội Thái Lan đang
trông đợi vào các cuộc cải cách chính trị và kinh tế để ổn định đất nước trước
các cuộc bầu cử để đưa đất nước trở lại chế độ cầm quyền dân chủ. Những thay
đổi mà chính quyền đó bao gồm một cơ quan tư vấn chính sách mới với các nhà kỹ
trị, các chủ ngân hàng để giám sát an ninh, kinh tế và pháp luật. Tuy nhiên,
giới quan sát quan ngại rằng sự thay đổi đó có đủ triệt để, đủ lớn khi mà chính
trị, xã hội Thái Lan đang bị chia rẽ sâu sắc hiện nay.
ĐỖ CAO - sggp.org.vn