31/5/14

Khủng hoảng Thái Lan gây tổn thương cho Đông Nam Á?

(Gafin)- Nguy cơ lây lan tác động tiêu cực của bất ổn tại Thái Lan sang phần còn lại của Đông Nam Á rất nhỏ, thậm chí một số nước còn hưởng lợi.

Tuần trước, Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ochan đã tuyên bố giành quyền kiểm soát chính phủ sau cuộc đảo chính diễn ra ngày 22/5, hơn 7 tháng sau khi các cuộc biểu tình chính trị bùng nổ và 2 ngày sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố. 
Nền kinh tế Thái Lan thoát khỏi các cuộc khủng hoảng chính trị trước đây trong tình trạng tương đối nguyên vẹn, nhưng lần này có lẽ khác khi GDP quý I/2014 giảm mạnh hơn so với mức dự báo 2,1%, khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải hạ thấp dự báo tăng trưởng năm 2014 của nước này.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Thái Lan đã nhanh chóng lấy lại được đà hồi phục. Tuy giảm gần 19% giai đoạn từ tháng 10/2013 đến tháng 1/2014, song chứng khoán Thái Lan đã hồi phục trở lại với mức tăng 15%.
Krystal Tan, chuyên gia kinh tế châu Á tại công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định, tác động tiêu cực về kinh tế sau khủng hoảng chính trị ở Thái Lan chỉ ảnh hưởng ở phạm vi trong nước. Các nhà đầu tư đều nhận thấy rằng bất ổn chính trị tại Thái Lan chỉ là trường hợp riêng biệt và hầu hết các nước Đông Nam Á đều có nguồn tài chính khỏe mạnh, giúp hạn chế tác động xấu từ Thái Lan.
Bà Tan cho biết, mặc dù giới đầu tư nước ngoài bắt đầu rút vốn khỏi Thái Lan kể từ tháng 11/2013 nhưng dòng vốn chảy vào các nước ASEAN khác vẫn cao. Hiệu suất trung bình của thị trường chứng khoán các nước châu Á mới nổi cao hơn so với khối thị trường mới nổi khác kể từ tháng 11/2013 ngay cả khi thị trường Thái Lan gặp khó khăn. 
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích khác lại cho rằng, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á có thể sẽ phải hứng chịu tác động của khủng hoảng tại Thái Lan.
Hak Bin Chua, chuyên gia kinh tế châu Á tại Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, cho rằng, khủng hoảng chính trị của Thái Lan đã ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực du lịch của toàn khu vực. Thông thường, du lịch châu Á sẽ được bán theo gói nên nếu một trong những điểm đến gặp vấn đề thì sẽ gây ảnh hưởng đến cảm nhận của khách du lịch về cả khu vực. 
Thêm vào đó, các trung tâm tài chính như Singapore - nơi quản lý dòng vốn đầu tư của khu vực - cũng có thể sẽ phải hứng chịu tác động tiêu cực do dòng vốn FDI và danh mục đầu tư vào Thái Lan suy giảm. 
Tuy nhiên, bà Tan cũng lưu ý rằng, một số nền kinh tế láng giềng có thể hưởng lợi từ bất ổn chính trị của Thái Lan về khía cạnh du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguyên nhân đơn giản là, khách du lịch cũng như giới đầu tư sẽ chuyển hướng kế hoạch, tránh xa khu vực bất ổn. 
Dựa trên những diến biễn gần đây của các yếu tố kinh tế, bà Tan cho rằng, Việt Nam và Malaysia là những nước hưởng lợi về lĩnh vực du lịch trong khi Indonesia và Philippines sẽ là nơi đầu tư hấp dẫn thay thế cho Thái Lan.
Theo công ty Capital Economics, các doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ xem xét lại cam kết dài hạn đối với Thái Lan. Ví dụ, sản lượng ôtô sản xuất tại Thái Lan của Honda đã giảm và tập đoàn này đã hoãn việc xây dựng nhà máy mới trị giá 530 triệu USD tại nước này. 
Chuyên gia Hak Bin Chua cũng đưa ra báo cáo cho thấy, các công ty đang dần chuyển chuỗi dây chuyền sản xuất hàng điện tử ra khỏi Thái Lan sang các nước ổn định hơn như Malaysia. 
Vishnu Varathan, chuyên gia kinh tế thị trường tại ngân hàng doanh nghiệp Mizuho, cho biết, giới đầu tư đang xem xét việc di chuyển các cơ sở sản xuất sang khu vực Mekong rộng lớn hơn, gồm Myanmar, Lào, Campuchia trong dài hạn và Việt Nam, Philippines trong ngắn hạn. 

(Nguồn: Theo DVO/CNBC) - gafin.vn