Đã hơn 2 tháng nay, Đại
lộ Ratchaprasong dẫn vào Trung tâm thương mại Patunam của thủ đô Bangkok bị
những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan chiếm giữ làm đại bản doanh.
Dù có những xáo trộn do tình trạng kẹt xe và
cuộc sống bất ổn kéo dài nhiều ngày
qua, song người Thái vẫn tỏ ra bình thản và chấp nhận những thiệt hại về kinh
tế đã hiện rõ trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày…
Bên trong khu biểu tình tại đại lộ Ratchaprasong.
Hưởng lợi từ biểu tình
Sau khi Chính phủ Thái
Lan ban bố tình trạng khẩn cấp 60 ngày ở thủ đô Bangkok và áp dụng thiết quân
luật từ 0 giờ hàng ngày với lệnh bắt được ban bố đối với bất kể đám đông nào tụ
tập từ 5 người trở lên, các cuộc biểu tình đã giảm rõ rệt số lượng người tham
gia. Trur Qu-we - hướng dẫn viên du lịch Công ty SBT Travel dẫn một nhóm du
khách Việt len lỏi qua những quầy hàng bày bán la liệt trên các lối đi nào quần
áo, mỹ phẩm, đồng hồ, đồ điện tử… Chính giữa đại lộ Ratchaprasong được bố trí
một màn hình cực đại truyền dẫn hình ảnh tại sân khấu lớn nằm phía cuối đường
với các màn diễn thuyết của các thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ. Thỉnh
thoảng khi nghe tiếng loa phóng thanh hô vang “Yingluck”, “Thaksin”…, những
người bán hàng lại dừng tay, đồng loạt thổi những hồi còi dài đáp lại.
Trur Qu-we cho biết, đa
phần những người bày bán hàng ở đây là dân nhàn cư được phe biểu tình trả một
khoản tiền từ 800 - 1.200 baht/ngày (từ 560 - 840.000 đồng). Giờ “làm việc” của
những người biểu tình được chia thành “ca”, từ 6 đến 14 giờ và từ 15 giờ đến
đêm. Ngoài thời gian “trực ca”, người biểu tình bày ra các loại hàng hóa ngay
tại lối đi để bán cho du khách và người dân qua lại. Đến bữa họ tới điểm nhận
cơm miễn phí về vừa ăn, vừa bán hàng. Còn số người biểu tình “ngồi” được phe
chống chính phủ bố trí lều bạt che mưa, nắng ngay giữa đại lộ. Nhiều người mang
cả gia đình đến đây ăn ngủ, sinh hoạt và cuối ngày thì nhận tiền.
Đỉnh điểm của những đợt
biểu tình có hàng ngàn người tham gia đã tạo ra làn sóng đối đầu nhau giữa các
nhóm chống chính phủ (áo vàng) và ủng hộ chính phủ (áo đỏ). Một số “mạnh thường
quân” phe áo đỏ cũng thuê lực lượng của mình với giá thấp hơn phe áo vàng để
cân bằng lực lượng giữa hai bên. Để chứng minh cho việc vẫn kiểm soát được tình
hình, phe áo đỏ còn lôi kéo thêm một số người dân ở các tỉnh lên tham gia biểu
tình, trong đó đa phần là những người nông nhàn. Giữa hai phe biểu tình thường
có một nhóm những người hiếu kỳ đến xem và không ít người “ăn lương” hai đầu.
Trur Qu-we chỉ cho chúng
tôi biết trong dòng người hiếu kỳ có mặt tại đại lộ Ratchaprasong có cả các
đoàn du khách đến đây săn hàng sale của người biểu tình và không ít người đã
săn được những món hàng với giá rất hời. Nhiều du khách nhận được lời mời tham
gia vào các phe biểu tình và họ thường ở lại 10, 15 ngày với số tiền được nhận
hàng ngàn baht, đủ trang trải chi phí đi lại và vui chơi trong những ngày ở
Thái Lan. Nhiều hãng lữ hành đưa khách đến đây tham quan biểu tình, thay cho
các điểm tham quan tòa nhà Quốc hội, hoàng cung đã bị phe áo vàng chiếm
đóng.
Thất thu do biểu tình
Anh Char Yunarul, một
phóng viên tự do làm việc cho một số tờ báo ở Thái Lan những ngày qua thường
xuyên có mặt ở đại lộ Ratchaprasong cho chúng tôi biết, vào thời điểm cuối
tháng 11-2013, trước lúc diễn ra các cuộc biểu tình của phe chống chính phủ, 1
USD đổi được 28 baht, thì nay là 32,5 baht. Đồng baht mất giá kéo theo bao
nhiêu phiền toái khác trong sinh hoạt của người dân, nhất là giá cả leo thang
đến chóng mặt. Trước kia, một phần ăn trưa có giá chỉ 35 - 40 baht, thì nay là
50 baht. Nhân công cho các công việc văn phòng, buôn bán, dịch vụ… trước kia
chỉ 500 baht/ngày, thì nay phải trả 600 - 700 baht cũng không thuê được vì
nhiều người đi biểu tình để có thu nhập cao hơn.
Các hãng du lịch lữ hành
được cho là ảnh hưởng nặng nhất do biểu tình mùa cao điểm tết vừa qua. Anh Hải,
nhân viên điều hành du lịch người Thái gốc Việt của Công ty SBT Travel - đơn vị
đối tác của các hãng du lịch Việt Nam, cho biết, đầu mùa có 390 đoàn đăng ký
tour, nhưng sau đó hủy chỉ còn 27 đoàn. Công ty bị thiệt hại rất nặng vì đã đặt
chỗ ăn ở cho các đoàn khách và khi hủy tour thì không nhận lại được tiền cọc.
Nhiều khách lẻ, hoặc tự túc đi trong dịp tết vừa qua đã hủy tour do tình hình
bất ổn, cũng bị mất tiền đặt chỗ, có người mất hàng chục triệu đồng.
Trong chương trình tour
du lịch mà đoàn chúng tôi tham gia từ Việt Nam qua 2 trung tâm du lịch lớn của
Thái Lan là Bangkok và Pattaya, đi đến đâu cũng thấy cảnh ế ẩm, vắng khách đến
không thể ngờ được. Một đoàn trước kia là 45 khách thì nay có đoàn chỉ hơn 10
người. Nhiều hãng du lịch khuyến mại bằng hình thức giảm giá tour, tặng quà,
tặng thêm chương trình tham quan… vẫn rất khó thu hút được khách. Vắng khách du
lịch đã làm cho nền công nghiệp không khói của Thái Lan những tháng qua thất
thu đến thảm hại. Những người dân sống nhờ vào du lịch cũng đang đối mặt với
thua lỗ, mất việc. Theo nhận định của một đồng nghiệp tại Bangkok Post, nền
kinh tế Thái Lan đang chạm đáy và chính phủ của bà Yingluck dù có thắng cử
trong cuộc bầu cử, thì với nhiều bất ổn vừa qua, cũng sẽ rất lâu mới vực được
nền kinh tế Thái Lan về trước thời điểm tháng 11-2013 - khi diễn ra các cuộc
biểu tình của những người ủng hộ Đảng Dân Chủ do thủ lĩnh phe đối lập Suthep
Thaugsuban lãnh đạo.
HOÀI NAM (từ
Bangkok, Thái Lan) - sggp.org.vn