BANGKOK — Các nhà kinh tế học
cảnh báo rằng kinh tế Thái Lan đang tăng trưởng chậm lại giữa lúc vương quốc
Đông Nam Á này chìm ngập trong rối loạn chính trị. Theo tường thuật của thông
tín viên Ron Corben của đài VOA ở
Bangkok, công ty xếp hạng tín dụng Fitch cảnh
báo rằng vụ bế tắc chính trị kéo dài có thể có những tác động tiêu cực dài hạn
đối với sự ổn định tài chánh của Thái Lan.
Công ty xếp hạng tín dụng Fitch ở Mỹ
cảnh báo trong bản phúc trình mới đây rằng sự kéo dài hay sự gia tăng cường độ
của vụ giằng co chính trị hiện nay ở Thái Lan làm tăng mối rủi ro là kinh tế
nước này sẽ gánh chịu những thiệt hại lâu dài.
Công ty Fitch nêu lên sự co cụm
trong ngành chế tạo, tỉ lệ tăng trưởng của doanh số bán lẻ bị chậm lại rất
nhiều, và niềm tin của giới tiêu thụ và giới doanh thương nằm ở mức thấp nhất
kể từ khi xảy ra vụ lũ lụt kinh hoàng hồi cuối năm 2011.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút
khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan kể từ khi cuộc phản kháng chính trị bùng
ra hồi thượng tuần tháng 11.
Phúc trình này được công bố tiếp
theo sau cuộc bầu cử không có kết quả dứt khoát hôm chủ nhật và những cuộc biểu
tình chống chính phủ đang tiếp diễn. Trong lúc vụ tranh chấp chính trị dường
như đang chuyển hướng tới các tòa án, các nhà đầu tư đã nêu lên những mối lo
ngại.
Chủ tịch công ty Xe hơi Toyota ở
Thái Lan, ông Kyoichi Tanada, cảnh báo rằng các nhà đầu tư dài hạn có thể tìm
kiếm những địa điểm đầu tư khác như Indonesia hay Việt Nam chẳng hạn.
Ông Chris Baker, một nhà phân tích
tình hình Thái Lan, cho biết các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài e rằng niềm tin
của giới đầu tư sẽ bị lung lay vì cuộc bầu cử không có kết quả dứt khoát, với
những cuộc bầu cử tổ túc sắp được tổ chức và những vụ kiện tụng của cả hai bên
trong vụ tranh chấp chính trị.
"Mối quan tâm chính là về việc
làm ra quyết định. Họ cảm thấy lo ngại, đặc biệt là các nhà sản xuất xe hơi và
các công nghiệp liên hệ. Họ lo ngại về chính phủ. Họ e rằng trong thời gian
trước mắt sẽ có rất ít cơ hội để có được một chính phủ có thể làm ra những
quyết định nghiêm túc và đây là một yếu tố lớn khiến cho họ chùn bước."
Chính phủ tạm quyền của Thái Lan
hiện đang gánh chịu những áp lực nặng nề để trả tiền cho nông dân trồng lúa.
Chính phủ đang nợ những người này hơn 3 tỉ đô la dựa theo một chương trình trợ
giá lúa gạo gây nhiều tranh cãi. Chính phủ đã ra sức tìm kiếm ngân khoản và đã
không thể tranh thủ nguồn tài trợ từ các ngân hàng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút
khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan kể từ khi cuộc phản kháng chính trị bùng
ra hồi thượng tuần tháng 11. Chỉ số chứng khoán đã mất 10% từ đó tới nay, tuy
đã ổn định trở lại trong mấy ngày vừa qua.
Tuy triển vọng kinh tế u ám như vậy,
nhưng ông Andrew McBean của công ty tư vấn Grant Thorton Thailand nói rằng có
một dấu hiệu đáng mừng là cuộc bầu cử hôm chủ nhật đã diễn ra mà không có những
vụ bạo động đáng kể.
"Có một sự nhẹ nhõm nào đó từ
hồi cuối tuần và sự kiện là cuộc bầu cử diễn ra mà không có bạo động. Điều đã
phát xuất từ sự kiện này là một cách tiếp cận có tính chất thực tế khá cao
trong suốt quá trình của nó. Thái Lan tiếp tục có tăng trưởng GDP. Kinh tế tiếp
tục tăng trưởng, tuy không được tốt đẹp bằng tiềm năng thật sự."
Kỹ nghệ du lịch đã chịu thiệt hại
nặng, đặc biệt là ở thủ đô Bangkok, nơi mà chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn
trương trong lúc những người biểu tình chống chính phủ ngăn chận các ngã tư
trong thành phố. Hơn 45 nước đã đưa ra lệnh cảnh báo du hành trong vài tuần
qua, và các giới chức ngành du lịch ước tính rằng mức thiệt hại chỉ riêng trong
tháng giêng đã lên tới 685 triệu đô la.
Thái Lan đã từng trải qua những thời
kỳ khó khăn kinh tế và rối loạn chính trị, khiến một số người gắn cho vương
quốc này biệt danh “Thái Lan Teflon”. Nhưng nhiều người e rằng hỗn loạn chính
trị kéo dài càng lâu thì Thái Lan càng khó phục hồi hình ảnh của một nước thân
thiện với du khách và các nhà kinh doanh.
Ron Corben - voatiengviet.com