Hàng trăm nông dân Thái
Lan đã xuống đường ở Bangkok hôm nay, 06/02/2014, gia nhập phong trào biểu tình
chống Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Khoảng 200 nông dân,
cùng với nhiều xe máy cày và máy gặt, đã tập trung chung quanh trụ sở
Bộ Thương
mại Thái Lan để phản đối việc họ không được Chính phủ trả tiền mua gạo trong
khuôn khổ chương trình trợ giá gạo xuất khẩu. Những nông dân biểu tình cũng đã
chặn 2 đường cao tốc đi vào thủ đô Bangkok.
Nông dân Thái Lan đổ về Bangkok biểu
tình đòi chính phủ thanh toán tiền trợ giá gạo, ngày 6/2/2014. REUTERS/Chaiwat
Subprasom.
Chính phủ của Thủ tướng
Yinglick Shinawatra, được sự ủng hộ chủ yếu của cử tri ở các vùng nghèo ở miền
Bắc và Đông Bắc Thái Lan, thực hiện lời hứa khi tranh cử, năm 2011 đã
quyết định mua gạo của nông dân nước này với giá cao hơn giá thị trường thế
giới, để tăng thêm thu nhập cho họ.
Nhưng chương trình trợ
giá gạo này không chỉ đã khiến Thái Lan mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng
đầu thế giới từ năm 2012, mà còn đang gặp nhiều chỉ trích là đã dẫn đến nhiều
vụ tham nhũng, làm hao hụt công quỹ và khiến lượng gạo tồn kho ngày càng lớn,
mà nay được thẩm định là 20 triệu tấn.
Mối quan ngại về chương
trình trợ giá gạo càng gia tăng sau khi một công ty Trung Quốc hủy bỏ hợp đồng
mua một triệu tấn gạo do đang có điều tra tham nhũng. Cụ thể, Ủy ban chống tham
nhũng của Thái Lan gần đây loan báo việc truy tố nhiều quan chức có liên quan
đến chương trình này. Vào tháng trước, Ủy ban chống tham nhũng cũng đã mở điều
tra nhắm vào chính thủ tướng Yingluck, bị coi đã lơ là trong việc kiểm tra thực
hiện chương trình trợ giá gạo.
Lãnh đạo phong trào biểu
tình, Suthep Thaugsuban hôm qua đã nhân vụ công ty Trung Quốc hủy hợp đồng mua
gạo để lên án chính sách trợ giá gạo xuất khẩu. Theo ông, chủ trương trợ giá
gạo chỉ nhằm mua phiếu cử tri cho đảng cầm quyền Puea Thai.
Thanh Phương - viet.rfi.fr