Tòa án hình sự ra lệnh bắt giữ 19 lãnh đạo biểu tình chống chính
phủ.
Ngày
5-2, tức một ngày sau khi đảng Dân chủ đối lập cho biết sẽ gửi đơn cho Tòa án
hiến pháp yêu cầu hủy bỏ bầu cử Quốc hội và giải tán đảng
Pheu Thai, đảng Pheu
Thai cầm quyền đã phản pháo.
Đảng Dân chủ bị tố vi hiến
Ngày 4-2, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban vận động quyên góp
trong khi biểu tình. Ảnh: AP
Đảng Pheu Thai đã đệ đơn yêu cầu Ủy ban Bầu cử giải tán đảng Dân
chủ và cấm các đảng viên hoạt động chính trị trong vòng năm năm. Theo báo
Bangkok Post (Thái Lan), phó chủ tịch Ủy ban Bầu cử đã nhận đơn kiến nghị của
đảng Pheu Thai.
Người phát ngôn đảng Pheu Thai giải thích các cuộc biểu tình do
nhà lãnh đạo Suthep Thaugsuban cùng tám nhân vật khác dẫn đầu đã vi phạm điều
68 của hiến pháp; đảng Dân chủ cũng đã vi phạm hệ thống dân chủ thông qua hành
vi ủng hộ phe biểu tình chống chính phủ cản trở bầu cử Quốc hội hôm 2-2.
Người phát ngôn ghi nhận các thành viên của Ủy ban Cải cách dân
chủ nhân dân (chống chính phủ) đã hợp tác với 25 đảng viên đảng Dân chủ trong
biểu tình, như vậy đảng Dân chủ đã không hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là một
đảng phái chính trị theo quy định tại điều 94 Luật Đảng phái chính trị.
Theo người phát ngôn, kiến nghị của đảng Dân chủ yêu cầu Tòa án
hiến pháp vô hiệu cuộc bầu cử Quốc hội hôm 2-2 là bằng chứng cho thấy mục đích
lật đổ chính phủ của đảng này không phù hợp với các quy định dân chủ.
Khó tổ chức bầu cử lại
Người phát ngôn đảng Pheu Thai đã kêu gọi Ủy ban Bầu cử trong vòng
một tuần phải ấn định ngày bầu cử lại tại chín tỉnh đã hủy bỏ bầu cử và tại
chín tỉnh khác có một bộ phận cử tri chưa đi bỏ phiếu. Người phát ngôn khẳng
định Ủy ban Bầu cử không thể đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác.
Trong ngày 5-2, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Supachai Somcharoen cho hay
một cuộc bỏ phiếu bổ sung vào ngày 23-2 cho các cử tri chưa thể bỏ phiếu khó có
thể diễn ra do các nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử Quốc hội hôm 2-2.
Ông cảnh báo nếu tình hình chính trị hiện tại vẫn tiếp diễn căng
thẳng, cuộc bỏ phiếu Thượng viện vào ngày 30-3 cũng sẽ khó thực hiện.
Ngày 4-2 (giờ địa phương), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố
ông theo dõi rất sát sao diễn biến ở Thái Lan. Ông ghi nhận tình hình Thái Lan
hết sức phức tạp và ông quan tâm đến sự kiện nhiều người Thái không thể thực
hiện quyền bầu cử.
Ông kêu gọi các đảng phái chính trị tại Thái Lan nên giải quyết
các bất đồng thông qua đối thoại và vì lợi ích của nhân dân Thái Lan. Ông nhấn
mạnh LHQ không tha thứ cho bất kỳ hành động nào cản trở quyền dân chủ của người
dân Thái Lan.
Thời hiệu bắt giữ một năm
Ngày 5-2, báo The Nation (Thái Lan) đưa tin Tòa án hình sự Thái
Lan đã ra lệnh bắt giữ 19 lãnh đạo biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân
dân (chống chính phủ) do vi phạm điều 11 và 12 của sắc lệnh khẩn cấp. Trong số
này có ông Suthep Thaugsuban.
Lệnh bắt giữ được phát đi sau khi tòa án xem xét các bằng chứng
(đĩa CD ghi hình và các nhân chứng) cho thấy 19 lãnh đạo biểu tình Ủy ban Cải
cách dân chủ nhân dân đã hợp tác và xúi giục gây ra các tình huống khẩn cấp.
Lệnh bắt giữ có hiệu lực trong vòng một năm và không được thông
báo ra công chúng. Trong vòng một năm, nếu cảnh sát không thể bắt giữ, tòa án
sẽ triệu hồi các quan chức đến để thẩm vấn và hủy bỏ lệnh bắt giữ.
Cảnh sát cho hay sẽ cố gắng bắt giữ 19 nhân vật nêu trên mà không
cần đàn áp biểu tình. Tòa án đã cho phép cảnh sát giam giữ 19 người này tại trụ
sở cảnh sát tuần tra biên giới khu vực số 1 ở tỉnh Pathum Thani (miền Trung).
Cùng ngày 5-2, cảnh sát điều tra đã tiết lộ thông tin đầu tiên
liên quan đến vụ bắn nhau giữa phe ủng hộ chính phủ và phe biểu tình chống
chính phủ tại giao lộ Laksi (ngoại ô Bangkok) hôm 1-2 làm sáu người bị thương.
Theo kết quả điều tra có tổng cộng 21 nghi can tham gia, ba người
đã được xác định danh tánh và đang chờ lệnh bắt. Vẫn chưa rõ họ có phải là cảnh
sát hay binh sĩ hay không.
- Ngày 5-2, lãnh đạo
nhóm nông dân sáu tỉnh miền Tây tuyên bố sẽ dẫn nông dân về Bangkok vào ngày
6-2 nhằm buộc chính phủ tạm quyền phải thanh toán tiền bán lúa gạo. Dự kiến họ
sẽ tập trung tại tỉnh Ratchaburi sáng 6-2, sau đó di chuyển tập trung đến Bộ
Thương mại. Họ khẳng định nếu không có tiền sẽ không quay về.
- Liên quan đến lệnh
trục xuất Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan-Ấn Độ Satish Sehgal của Trung
tâm Duy trì hòa bình và trật tự Thái Lan với cáo buộc ông này tham gia hoạt
động chống chính phủ, Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân cảnh báo động thái trên
có thể ảnh hưởng quan hệ Thái-Ấn và ông Satish Sehgal không hề tham gia hoạt
động gây bất ổn nào.
Tiêu điểm
603 triệu baht (19 triệu USD) là tài sản của Thủ
tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra theo công bố hôm 4-2 của Ủy ban Chống tham
nhũng Thái Lan. Nhà chính trị giàu nhất là nguyên nghị sĩ đảng Dân chủ Prakob
Chirakiti với tài sản khoảng 2,1 tỉ baht (60 triệu USD). Nhà chính trị nghèo
nhất mắc nợ 6,6 tỉ baht (180 triệu USD).
DUY KHANG - plo.vn