Bất chấp
sự dọa dẫm và đe dọa bạo động cử tri Thái Lan vẫn tham gia cuộc tổng tuyển cử.
Theo tường thuật của Thông tín viên VOA Daniel Schear từ Bangkok, người biểu
tình đã buộc 9 tỉnh trong số 76 tỉnh của Thái Lan và 4 quận
trong 50 quận trong
thủ đô Bangkok phải hủy bỏ cuộc đầu phiếu, tuy nhiên đại đa số các địa điểm bỏ
phiếu khác vẫn mở cửa.
Tại một
quận trong thủ đô Bangkok, cử tri giận dữ đập lên các cánh cổng của văn phòng
quận đòi được bỏ phiếu. Những người biểu tình chống chính phủ có mặt trước đó
đã ngăn các viên chức đưa phiếu bầu đến các phòng phiếu gần đó.
Một phòng phiếu
trong thủ đô Bangkok, Thái Lan, 2/2/14
Bà
Thippawan Sae-lao đổ lỗi cho những người tổ chức bầu cử thất bại trong việc bảo
vệ quyền dân chủ của bà. Bà nói bà cảm thấy thất vọng vì không thể bỏ phiếu. Bà
nói, “Lẽ ra họ nên chuẩn bị kỹ lưỡng vì họ đã biết người dân sẽ đi bầu.”
Ông
Chuwit Kamolvisit, một chính trị gia độc lập được nhiều người biết tiếng, bị
tấn công khi ông đến một phòng phiếu vắng tanh trong khu phố của ông. Một số
nguời biểu tình tạt nước vào ông Chuwit, làm ông bị ngã xuống, và kéo áo của
ông, nhưng nhân viên an ninh của ông đã nhanh chóng khắc phục được tình hình.
Ông
Chuwit, người được mệnh danh là ông vua massage ở Thái Lan đã trở thành một
nhân vật cổ võ bài trừ tham nhũng, nói rằng cả hai phía – đảng cầm quyền và phe
đối lập – đều có lỗi về tình trạng chia rẽ sâu xa ở Thái Lan. Ông nói:
“Họ có
một cuộc xung đột hiện giờ. Và năm tới lại có một cuộc xung đột mới. Cho đến
khi nào mà họ biết rằng xung đột phải giải quyết bằng thỏa hiệp, đó là khôn
khéo. Chính trị là một sự thỏa hiệp, anh bạn. Nếu không thỏa hiệp, thì chiến
tranh.”
Tuy
nhiên, người biểu tình đã không ngăn được cuộc bầu cử, trong phần lớn thủ đô
Bangkok, và các nơi của Thái Lan, phiếu bầu được đưa đến và cuộc bỏ phiếu tiến
hành ít có vấn đề gì xảy ra.
Tại các
phòng phiếu cảnh sát và bình sĩ được triển khai để giữ trật tự, dù không có ai
sử dụng vũ lực.
Sau khi
các phòng phiếu đóng cửa hôm Chủ nhật, Ủy ban Bầu cử Thái Lan tuyên bố trên đài
truyền hình quốc gia rằng 89% trong số 93.000 phòng phiếu đã có thể mở cửa.
Ông
Supachai Somcharoen, Chủ tịch Ủy ban lập lại sự phản đối của ủy ban về việc
tiến hành bầu cử trong tình hình bất ổn hiện nay, nhưng cũng cảm ơn cử tri đã
tham gia bầu cử.
Ông
Supachai nói rằng ủy ban đang nghiên cứu các luật lệ để ấn định ngày 23 tháng 2
là ngày dành cho các cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử nhưng đã không thể bỏ
phiếu trong cuộc bầu cử sớm hôm 26 tháng 1.
Hôm đó,
người biểu tình đã phong tỏa các nơi bỏ phiếu tại hầu hết các quận ở Bangkok,
cảnh tượng khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự gắn bó của họ đối với dân chủ.
Mặc dù
thất bại trong việc ngăn chận bầu cử, người biểu tình - những người muốn lập
một hội đồng không qua bầu cử đảm trách tiến trình cải cách, đang có tâm trạng
thách thức và vui mừng.
Họ chơi
nhạc sống, nhảy múa tại Tượng đài Chiến thắng ở Bangkok, một trong nhiều địa
điểm biểu tình trong thủ đô.
Cô
Paengporn Kunork nói họ muốn Thủ tướng Yingluck Shinawatra và gia đình của bà,
mà họ nói là tham ô, ra khỏi chính trường Thái Lan.
Cô Paengport
nói họ vui mừng như đã thắng lợi vì họ đang chiến thắng dần, từng bước một. Tuy
nhiên, cô nói mục tiêu chính yếu cuối cùng của họ là buộc thủ tướng cải cách và
rồi thì họ có thể bắt đầu cải cách đất nước.
Sau cuộc
bỏ phiếu hôm Chủ nhật, sự chú ý chuyển hướng sang các thách thức pháp lý đối
với đảng cầm quyền tại tòa án trong những tuần lễ tới đây, và cuộc bầu cử bổ
túc trong những tháng sắp tới.
Mặc dù
tình hình xáo trộn diễn ra đã mấy tháng, không thấy có dấu hiệu nào cho thấy
tình trạng bế tắc chính trị ở Thái Lan sắp chấm dứt.
Daniel
Schearf - voatiengviet.com