VOV.VN - Bất chấp lệnh mới
ban, phe biểu tình tiếp tục có thái độ thách thức và khẳng định sẽ “nâng cấp”
biểu tình.
Để hiểu rõ hơn về diễn biến tình hình Thái Lan
sau
khi Chính phủ tạm quyền nước này quyết định ban bố Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp
bắt đầu từ hôm 22/1, VOV phỏng vấn qua điện thoại anh Tống Sơn - phóng viên
thường trú Đài TNVN tại Thái Lan.
VOV: Anh có thể đánh giá tình hình
Bangkok hiện nay như thế nào sau khi Chính phủ Thái Lan áp đặt lệnh tình trạng
khẩn cấp 60 ngày ở thủ đô và các tỉnh lân cận từ hôm 22/1?
PV: Qua quan sát và nắm bắt các thông tin, chúng
tôi thấy rằng, tình hình chính trị Thái Lan sau khi Chính phủ ban bố áp dụng
Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vẫn chưa có những thay đổi rõ nét, cả về phía
Chính phủ tạm quyền và phía người biểu tình.
Biểu tình tại Thái
Lan
Mặc dù Thủ tướng Thái Lan tạm quyền
Yingluck Shinawatra đã ban hành văn bản quy định cụ thể một số quyền hạn đặc biệt
của nhà chức trách Thái Lan khi áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, song các
động thái của Chính phủ vẫn chủ yếu là kiên nhẫn, mềm dẻo; lực lượng cảnh sát
dùng thương lượng với biểu tình để giải tỏa những va chạm giữa hai bên; thậm
chí hai bên còn tăng cường hợp tác để phòng ngừa các đối tượng gây rối bạo lực
nhằm vào người biểu tình.
Ngày hôm qua (21/1), trong thông báo cho đại diện
ngoại giao đoàn ở Thái Lan về việc ban bố áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp,
Chính phủ Thái Lan tạm quyền cũng khẳng định việc áp dụng sắc lệnh này chủ yếu
để kiểm soát tình hình biểu tình tốt hơn, nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho tất
cả các phe phái, không vi phạm nhân quyền.
Trong khi đó, lực lượng biểu tình do ông Suthep
lãnh đạo vẫn tụ tập ở các địa điểm biểu tình tại Thủ đô Bangkok. Đồng thời ban
lãnh đạo biểu tình tiếp tục tổ chức một số hoạt động tuần hành tới các công sở,
trong đó có trụ sở Cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan, trụ sở "Trung tâm
tâm giải quyết tình trạng khẩn cấp", trụ sở Cơ quan cảnh sát quốc gia v.v.
Nâng cấp biểu tình
Nhà lãnh đạo biểu tình Suthep đã tỏ thái độ thách
thức đối với việc Chính phủ tạm quyền Thái Lan áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn
cấp; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cho nâng cấp biểu tình, trong đó có hoạt
động bao vây các công sở ở Bangkok và các tỉnh miền Nam Thái Lan. Một lãnh đạo
biểu tình còn tuyên bố sẽ tiến hành truy đuổi và bắt giữ Thủ tướng tạm quyền
Yingluckk, Phó Thủ tướng tạm quyền Surapong và Tư lệnh Cơ quan cảnh sát quốc
gia Adul, là những nhân vật có liên quan tới việc ban bố và thực hiện Sắc lệnh
tình trạng khẩn cấp.
Về dư luận quốc tế, sau khi Chính
phủ Thái Lan ban bố áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa
ra tuyên bố kêu gọi các phe phái ở Thái Lan tôn trọng luật pháp, kiềm chế và
không sử dụng bạo lực. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ủng hộ các phe phái hữu
quan của Thái Lan thực tâm đối thoại để giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp
hòa bình, dân chủ. Trong khi đó, một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã
nâng cấp khuyến cáo công dân của họ tránh đến du lịch Bangkok hoặc tranh xa các
địa điểm biểu tình hoặc tụ tập đông người. Một số chuyên gia Thái Lan dự báo việc
Chính phủ tạm quyền áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp có thể làm giảm mạnh
lượng khách du lịch nước ngoài đến Thủ đô Bangkok nói riêng và Thái Lan nói
chung.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong vài ngày tới,
tình hình chính trị Thái Lan có thể sẽ thay đổi. Chính phủ tạm quyền Thái Lan
sẽ phải có động thái kiên quyết hơn đối với những hành vi "vượt quá giới
hạn" của biểu tình, nhằm thiết lập lại kỷ cương pháp luật và đảm bảo an
ninh trật tự của đất nước, nhất là ở Thủ đô Bangkok.
Báo chí Thái Lan nhận định ra sao về việc Chính
phủ ban bố tình trạng khẩn cấp?
PV: Có thể nói dư luận báo chí Thái Lan cũng
chia làm hai luồng ý kiến, một bên ủng hộ và một bên phản đối việc Chính phủ
tạm quyền ban bố Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Những ý kiến ủng hộ cho rằng
Chính phủ ban bố Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vào thời điểm này là cần thiết,
nhằm tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý cho lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ đảm bảo
an ninh trật tự và góp phần kiềm chế, ngăn chặn những hành động "vượt quá
giới hạn" của biểu tình như bao vây và cắt điện, nước các công sở, ép buộc
công chức nghỉ việc v.v.
Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ giúp ngăn chặn
hiệu quả và làm giảm các hoạt động gây rối bạo lực; nhất là trong thời điểm từ
nay đến ngày bầu cử Hạ viện mồng 2/2 tới. Trong khi đó, số ý kiến phản đối lại
cho rằng, việc áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp như "con dao hai
lưỡi", có thể gây ấn tượng không tốt về việc Chính phủ muốn dùng biện pháp
mạnh để kiểm soát biểu tình. Nếu việc áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quá
mức cần thiết có thể sẽ là "ngòi nổ" làm bùng phát bạo lực nghiêm
trọng.
Thái độ của quân đội
Giới truyền thông Thái Lan đưa
tin, quân đội nước này không ủng hộ việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp. Quân
đội Thái Lan lý giải động thái này ra sao?
PV: Trên thực tế, Quân đội Thái Lan có cách nhìn
nhận tình hình chính trị nước này tương đối khác biệt với Chính phủ tạm quyền.
Giới chỉ huy Quân đội Thái Lan cho rằng cuộc biểu tình của ông Suthep hiện nay
không có tính chất bạo lực, nên không cần thiết phải áp dụng Sắc lệnh tình
trạng khẩn cấp, trong đó quân đội đóng vai trò chủ đạo kiểm soát biểu tình.
Mặt khác, Quân đội cũng chịu sức ép của phe áo đỏ
và những người ủng hộ dân chủ ở Thái Lan cũng như dư luận quốc tế, khi các lực
lượng này phản đối mạnh mẽ việc đảo chính quân sự. Do đó, Quân đội đang kiên
trì lập trường trung lập, kêu gọi các phe phái chính trị đối thoại hòa bình để
giải quyết khủng hoảng. Vì thế, giới chỉ huy Quân đội hiện tại không công khai
phản đối việc áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp.
Đáng chú ý, trong phát biểu ngày hôm qua (22/1),
Tư Lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth cho biết, Chính phủ có quyền ban hành Sắc
lệnh tình trạng khẩn cấp và lực lượng cảnh sát sẽ đóng vai trò chủ lực để bảo
vệ an ninh trật tự. Quân đội sẽ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ mọi phe phái, không
thiên vị. Tuy nhiên, Tư lệnh Lục quân Thái Lan nhấn mạnh, nếu mâu thuẫn chính
trị diễn biến nghiêm trọng tới mức "vô phương cứu chữa" thì Quân đội
bắt buộc phải đứng ra giải quyết.
Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan cho biết sẽ kiến
nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về việc hoãn cuộc bầu cử dự kiến diễn ra
vào ngày 2/2. Hoãn bầu cử có phải là giải pháp khả thi nhất vào lúc này?
PV: Theo thông tin mới nhất, Tòa án Hiến pháp
Thái Lan còn phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, xem xét và phán quyết về
kiến nghị hoãn bầu cử này. Tuy nhiên, xét về nguyên tắc, khả năng hoãn bầu cử
Hạ viện là rất thấp và là giải pháp khó khả thi; bởi vì không có điều khoản rõ ràng
nào của Hiến pháp Thái Lan cho phép hoãn bầu cử.
Chỉ có lực lượng biểu tình của ông Suthep và đảng
Dân chủ đối lập là muốn hoãn bầu cử để tiến hành cải cách theo ý riêng của họ
trước khi bầu cử. Trong khi đó, phe Chính phủ đang tích cực thúc đẩy tiến trình
bầu cử, bên cạnh việc thúc đẩy tiến trình thành lập Hội đồng cải cách Thái Lan.
Tiến trình bầu cử Hạ viện song hành với cải cách
theo thể thức dân chủ đang nhận được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp dân chúng,
cũng như các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của Thái Lan. Do đó,
nhiều khả năng bầu cử Hạ viện sẽ vẫn diễn ra, cho dù gặp rất nhiều khó khăn,
trở ngại. Những người muốn đi bầu cử đúng vào ngày 2/2 tới để chứng tỏ rằng
"lá phiếu dân chủ" của họ phải được tôn trọng; không ai có thể giành quyền
lực bằng biện pháp "phi dân chủ"./.
PV Tống Sơn/VOV-Bangkok