(Tin tức 24h)
- Một lần nữa quân đội đã kịch liệt bác bỏ tin đồn về một cuộc đảo chính quân
sự lật đổ chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong khi xe
tăng, pháo hạng nặng đang ầm ầm kéo vào Bangkok. Còn Thủ tướng Thái Lan đang cố
dựa vào lực lượng quân đội để làm trung gian hòa giải với phe biểu tình. Liệu
bà Yingluck có bị rơi vào vết xe đổ của cựu Thủ tướng
Thaksin-anh trai của mình?
Quân đội bác tin đồn đảo chính, đưa
pháo hạng nặng vào thủ đô
Theo Tân Hoa Xã, ngày 6/1, Bộ trưởng Tư
pháp tạm quyền Thái Lan Chaikasem Nitisiri đã cảnh báo người dân nước này không
tham gia kế hoạch do những người biểu tình chống chính phủ phát động nhằm làm
tê liệt thủ đô Bangkok vào ngày 13/1.
Phát biểu trong một chương trình phát
sóng trên truyền hình, ông Chaikasem tuyên bố kế hoạch này là phạm pháp và nguy
hiểm, tuyên bố hành vi tham gia sẽ vi phạm pháp luật và đẩy đất nước vào hỗn
loạn. Ông cũng cảnh báo người dân có thể bị thương nếu đụng độ xảy ra.
Tờ Bangkok Post dẫn lời Phó Cảnh sát
trưởng Bangkok Adul Narongsak cho biết hàng nghìn cảnh sát, bao gồm lực lượng
quân cảnh, sẽ được triển khai để duy trì luật pháp và trật tự trong thời gian
người biểu hình tập hợp chuẩn bị tuần hành vào các ngày 7 và 9/1, cũng như
trong thời gian diễn ra cuộc tuần hành quy mô lớn vào ngày 13/1.
Cũng trong ngày 6/1, quân đội Thái Lan
đã kịch liệt bác bỏ tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự sắp xảy ra nhằm lật
đổ chính phủ tạm quyền hiện nay của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Tin đồn này xuất hiện sau khi quân đội
điều động các thiết bị quân sự hạng nặng, kể cả xe tăng và pháo binh từ khu vực
ngoại ô phía Bắc vào thủ đô Bangkok.
Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh số 1, Thiếu
tướng Varah Boonyasit cho biết một chục tiểu đoàn bộ binh, xe tăng, xe tải quân
sự và đạn dược đang được chuyển đến các trụ sở của Trung đoàn Bộ binh số 11 ở
Bangkok "để chuẩn bị cho một cuộc diễu hành thường niên bên trong các
doanh trại vào Ngày thành lập Các lực lượng vũ trang Thái Lan 18/1 tới".
Số binh sỹ và xe tăng nói trên đến từ
Sư đoàn Bộ binh số 2 tại tỉnh Prachinburi, Trung đoàn Bộ binh số 31 tại tỉnh
Lopburi, Trung đoàn Bộ binh số 21 ở tỉnh Chonburi và Trung tâm Kỵ binh ở tỉnh
Saraburi.
Thiếu tướng Varah khẳng định: "Các
hoạt động trên không hề nhằm chuẩn bị cho một cuộc đảo chính nào như lời đồn.
Người dân không nên lo ngại."
Theo Thiếu tướng Varah, hiện các hoạt
động tập rượt cho cuộc diễu hành đang diễn ra trong doanh trại Trung đoàn Bộ
binh số 11.
Thủ tướng Thái có rơi vào vết xe đổ của
anh trai?
Trong tình thế như hiện nay, Thủ tướng
Yingluck chỉ biết dựa vào dân và lực lượng quân đội.
Theo báo Bangkok Post, bà Yingluck đề
nghị quân đội làm trung gian giữa chính phủ và lực lượng biểu tình Ủy ban Cải
cách dân chủ nhân dân (PDRC). Mới đây thủ lĩnh PDRC Suthep Thaugsuban đã đối
thoại với một số quan chức quân đội.
Ông Suthep vẫn đòi bà Yingluck phải từ
chức và một chính phủ tạm thời thực hiện những cải tổ theo đề xuất của PDRC.
Ông Suthep đe dọa bà Yingluck có thể sẽ phải ra nước ngoài và tài sản gia đình
bà bị tịch thu nếu người biểu tình giành chiến thắng.
Tuy nhiên bà Yingluck kêu gọi người
biểu tình hãy tham gia bầu cử. Bà nhấn mạnh bầu cử không lập tức giải quyết
cuộc khủng hoảng chính trị nhưng sẽ giúp giảm căng thẳng, qua đó tạo cơ hội để
chính phủ mới thực hiện các cải cách chính trị. “Nếu không muốn chính phủ cũ
quay lại, các bạn hãy chiến đấu bằng lá phiếu” - bà Yingluck nhấn mạnh.
Dù phía quân đội cam đoan không đảo
chính, nhưng nhìn lại trường hợp xảy ra với ông Thaksin, người ta có quyền nghi
ngờ điều này.
Còn nhớ, năm 2006, các lời đồn đại về
tình hình bất ổn của các lực lượng vũ trang và khả năng âm mưu đảo chính đã mở
ra vài tháng trước khi nó dẫn đến cuộc đảo chính. Thậm chí, tướng Sonthi
Boonyaratglin, người sẽ lãnh đạo lực lượng cầm quyền mới sau đó, đã phát đi các
lời đảm bảo rằng quân đội sẽ không đọat quyền.
Thế nhưng, trong lúc Thủ tướng Thaksin
đang ở Thành phố New York để tham gia một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp
Quốc, tối 19/9/2006, quân đội và cảnh sát Thái Lan đã lật đổ chính phủ dân cử
của Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Phe quân sự đảo chính đã hủy bỏ cuộc
bầu cử theo dự tính này và đồng thời cũng tạm treo hiến pháp, giải tán Quốc
hội, cấm các hoạt động phản đối và chính trị, đàn áp và kiểm duyệt các phương
tiện truyền thông, tuyên bố thiết quân luật, và bắt bớ các thành viên nội các.
Thùy Vân (Tổng hợp) - baodatviet.vn