(NLĐO)- Chiến dịch “đóng cửa” Bangkok của phe đối lập tại
Thái Lan đã bước sang ngày thứ 4, và những vụ bạo lực xuất hiện ngày một nhiều
khiến người dân bất an.
Ngày 16-1, cảnh sát Bangkok đã nhất trí sẽ
phối hợp chặt chẽ với những người biểu tình để lập
chốt tuần tra tại các điểm
biểu tình ở thủ đô sau khi xảy ra hàng loạt các vụ nổ và bắn súng khiến một số
người biểu tình bị thương.Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) đã nhất trí
hợp tác với kế hoạch lập 9 điểm kiểm tra an ninh mới của cảnh sát, gần các địa
điểm biểu tình để giám sát những người ra vào các khu vực này, nhằm giảm thiếu
nguy cơ xảy ra tấn công.
Theo Bangkok Post, vào lúc 23 giờ 30 ngày
15-1, một tay súng chưa xác định danh tính nổ súng vào lực lượng bảo vệ tại rào
chắn khu vực biểu tình Nang Loeng. Không có ai bị thương trong vụ nổ súng này.
Đây là khu vực biểu tình thuộc nhóm Mạng lưới sinh viên và người dân
vì cải cách Thái Lan (NSPRT).
Nusser Yehama, người đứng đầu lực lượng bảo
vệ của NSPRT cho biết tay súng ở trong một chiếc ô tô Honda Jazz màu trắng biển
kiểm soát 1 Kor Yor 8088 và bắn 6 phát đạn vào lực lượng bảo vệ rồi bỏ chạy về
hướng Yommarat.
Trong khi đó, một quả bom tự chế phát nổ gần
khu vực biểu tình của Hội đồng Cải cách Dân chủ Nhân dân PDRC ở Lat Phrao vào
thời điểm nửa đêm. Hiện chưa ghi nhận được thương vong nào từ vụ nổ. Một nhân
viên an ninh của PDRC có tên Suppachoke Kongrin cho biết quả bom xuất phát từ
cầu vượt Lat Phrao nhưng bị vướng vào lan can cầu vượt và phát nổ trước khi
chạm đất.
Một vụ nổ bom khác xảy ra tại ngôi biệt thự ở
Laksi của ông Issara Somchai, một thủ lĩnh của PDRC vào lúc 2 giờ ngày16-1.
Không bó ai bị thương. Ông Somchai đi vắng khi vụ nổ xảy ra. Vị thủ lĩnh PDRC
này cho rằng vụ nổ bom có động cơ chính trị. Hiện cảnh sát vẫn điều tra tại hiện
trường. Trước đó, tư gia của cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân
chủ đối lập, cũng bị tấn công bằng chất nổ trong tối 14-1. Ông Abhisit
Vejjajiva cũng tin rằng vụ tấn công này có động cơ chính trị.
Trong đêm 15-1, cảnh sát đã bắt giữ 3 sĩ quan
hải quân khả nghi mang vũ khí và thẻ VIP của NSPRT. Cả ba sĩ quan bị giữ lại
khi qua chốt kiểm soát tại đường Krung Kasem khi họ đang lái một chiếc xe tải
“nhặt được”. Tuy nhiên, các sĩ quan này một mực phủ nhận có liên quan tới các
cuộc biểu tình. Họ khẳng định đang tham gia một vụ điều tra liên quan tới ma
túy. Sau đó, chủ huy Hải quân Winai Klomin đã liên hệ với cảnh sát và bảo lãnh
cho cả ba sĩ quan này.
Theo The Nation, các thủ lĩnh biểu tình lên
tiếng tố cáo Chính phủ Thái Lan đứng sau các vụ bạo lực nhằm đe dọa người biểu
tình tham gia Phong trào biểu tình chống chính phủ. Quân đội đã được cử tới để
giúp duy trì an ninh, trật tự và đồng thời trợ giúp về y tế.
Tại các điểm biểu tình, đã thấy xuất hiện một
số binh sĩ và họ còn nhận lệnh phải đi tuần thành nhóm để tránh bị những phần
tử xấu tấn công.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên
bố sẽ tăng cường chiến dịch loại bỏ chính phủ tạm quyền và chiến thắng của
Phong trào biểu tình đang bắt đầu xuất hiện. Ông khẳng định người biểu tình sẽ
không bị lung lay bởi họ đã vượt qua nỗi sợ hãi. Một Hội đồng cải cách của nhân
dân sẽ trở thành hiện thực trong những ngày tới.
Trong một diễn biến khác, ngày 16-1, phát
ngôn viên đảng Dân chủ tuyên bố đảng này không tham gia bất kỳ nỗ lực nào của
chính phủ nhằm mang lại một giải pháp cho những xung đột chính trị hiện nay trừ
phi thủ phạm gây ra vụ đánh bom khu tư gia của Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit
Vejjajiva bị bắt giữ.
Ông này còn tố cáo Thủ tướng tạm quyền
Yingluck Shinawatra là "người khoe mẽ và giả dối bởi bề ngoài thì cười
nói, nhưng lại cử người quấy rối thành viên của đảng Dân chủ".
Người biểu tình Thái
Lan giảm mạnh
Ngày 16-1, cảnh sát Thái Lan cho biết số lượng người tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bangkok đã sụt giảm rất mạnh. Theo lãnh đạo cảnh sát quốc gia Adul Saengsingkaew, hôm nay ở Bangkok chỉ còn lại khoảng 7.000 người biểu tình, chưa bằng 1/3 số người biểu tình tập trung ở trung tâm thành phố tối 15-1.
Linh San (Theo
Bangkok Post, The Nation) - nld.com.vn