(Tamnhin)- Lật lại lịch sử Thái Lan không
khó phát hiện ra rằng, mặc dù ngay từ năm 1932, Thái Lan đã thiết lập thể chế
chính trị hiện đại quân chủ lập hiến, nhưng kể từ đó trở đi, các cuộc chính
biển nổ ra liên tiếp, dù là cướp quyền chuyên chế hay bầu cử dân chủ, đều khó
có thể đem lại sự ổn định lâu dài.
Tình
trạng bất ổn chính trị ở Thái Lan đến nay đã kéo dài hơn một tháng, cuộc đàm
phán hòa bình giữa những người biểu tình và phía chính phủ nước này không đạt
được kết quả như mong muốn, một số hãng truyền thông lớn trên thế giới nhận
định, cục diện ở “Đất nước Chùa vàng” đã thấm đượm màu đảo chính.
Quân
đội: đề xướng đảo chính
Năm
1932, khi Thái Lan xây dựng chế độ quân chủ lập hiến, các quân nhân thuộc phe
young turks đã lập nên chính phủ lâm thời, mở màn cho thời kỳ quân nhân can
thiệp vào chính trị, từ đó trở đi, quân nhân đã trở thành lực lượng không thể
coi thường trong chính quyền Thái Lan.
Tình trạng bất ổn chính trị ở Thái Lan đã kéo dài hơn một tháng
Trong
mấy thập kỷ sau đó, các cuộc đảo chính quân sự do quân đội phát động ở nước này
thường xuyên xảy ra, trung bình hơn hai năm lại nổ ra một cuộc đảo chính. Thống
kê cho thấy, trong 20 cuộc đảo chính ở thế kỷ XX của Thái Lan, 21 vị thủ tướng
đã thành lập 49 nhiệm kỳ nội các, trong đó có 24 nhiệm kỳ nội các là của chính
phủ do quân nhân đứng đầu, 8 nhiệm kỳ chính phủ có lực lượng quân nhân đóng vai
trò chủ chốt, chỉ có 17 chính phủ phi quân nhân nhưng thời gian nắm quyền rất
ngắn. Trong thời gian đó, Thái Lan tổ chức 19 cuộc bầu cử, 80% số thời gian nằm
dưới sự kiểm soát của quân nhân. Mãi đến năm 1973, chính phủ quân sự mới bị lật
đổ trước sự biểu tình như vũ bão của dân chúng Thái Lan, nhưng chẳng bao lâu,
chính quyền lại rơi vào tay quân đội, mãi cho đến tận thập kỷ 1990.
Bầu cử
dân chủ: Khó có thể bình yên
Mấy
chục năm qua, trong các cuộc chuyển giao quyền lực của Thái Lan cũng đã xuất
hiện những vị thủ tướng lên nắm quyền thông qua các cuộc bầu cử do dân bầu hoặc
do quốc hội bầu lên, tuy nhiên cho tới tận sau năm 2001 – khi ông Thaksin lên
làm thủ tướng, Thái Lan mới có vị thủ tướng đầu tiên trong lịch sử tại nhiệm
tròn 4 năm, đồng thời trở thành vị thủ tướng đầu tiên được tái đắc cử thông qua
bầu cử. Tuy nhiên mặc dù như vậy, vị thủ tướng được người dân Thái Lan bỏ phiếu
bầu ra vẫn bị quân đội ép phải giải tán quốc hội và từ chức vào năm 2006.
Nữ thủ tướng đương nhiệm là bà Yingluck – người cũng lên nắm quyền sau
khi thắng cuộc trong cuộc tranh cử dân chủ hiện lại một lần nữa phải đối mặt với
cục diện khó khăn như anh trai bà trong năm 2006.
Nhiều
nhà phân tích chỉ ra rằng, nếu chỉ thông qua số phiếu bầu của đại đa số cử tri
là dân nghèo để bước lên võ đài chính trị thì các nguyên thủ Thái Lan vẫn phải
đối mặt với vô số nguy cơ, vì tầng lớp trung lưu và thượng lưu lại có những ảnh
hưởng không thể coi thường đối với cục diện chính trị trên thực tế. Nền dân chủ
dựa vào “người đông sức mạnh” khó có thể đem lại sự ổn định lâu dài, một khi
lợi ích của giai cấp trung lưu bị ảnh hưởng đến một mức độ nào đó, chính quyền
được thành lập thông qua bầu cử sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị phế truất.
Nhà
vua có cứu giúp được nghị trường Thái Lan?
Trái
ngược với sự “thay như thay áo” của Chính phủ Thái Lan, người luôn luôn vững
chãi trong giông tố mưa bão lại là nhà vua nước này. Nhà vua Thái Lan Bhumibol
Adulyadej lên ngôi năm 1947, tính đến năm 2006, số cuộc đảo chính lớn nhỏ mà
Nhà vua đã trải qua lên tới 20 lần. Tuy nhiên, đối với toàn thể dân chúng Thái
Lan, Nhà vua được kính trọng như thần linh, cho dù cục diện tồi tệ đến đâu, sự
xuất hiện của Nhà vua luôn dập tắt được sự phẫn nộ của dân chúng, xoa dịu cục
diện căng thẳng.
Nhà Vua Thái Lan có thể giúp cục diện nước này chuyển nguy thành an hay không là điều đang được rất nhiều người Thái Lan mong chờ.
Trong
lịch sử Thái Lan, hầu hết trong các cuộc đảo chính, Nhà vua luôn giữ thái độ
thận trọng, ít can thiệp trực tiếp. Tuy nhiên, Nhà vua cũng từng phát huy vai
trò làm thay đổi cục diện. Đơn cử là tháng 5-1992, nhân dân Thái Lan phát động
cuộc biểu tình phản đối sự thống trị của quân đội, cục diện ngày càng leo
thang, thủ tướng đương nhiệm lúc đó là Suchinda Kraprayoon đã hạ lệnh quân đội
dùng vũ lực để trấn áp dân chúng, trong bối cảnh cục diện ngày càng căng thẳng
đó, Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã bắt tay vào can thiệp. Ông triệu tập Thủ
tướng Suchinda Kraprayoon, Tướng Chamlong và mời lãnh tụ học sinh vào
cung, cảnh báo hai bên cần kìm chế. Tướng Chamlong và cựu Thủ tướng Suchinda
Kraprayoon cùng quỳ xuống trước Nhà vua, sau đó không lâu, Suchinda Kraprayoon
bèn tự động từ chức. Có học giả cho rằng, sự kiện này đã khiến vai trò của quân
đội Thái Lan bắt đầu mờ nhạt trong võ đài chính trị nước này.
Hiện
nay, Nhà vua Thái Lan đã bước sang tuổi 86, một người có thâm niên tại vị như
ông có thể giúp cục diện nước này chuyển nguy thành an hay không là điều đang
được rất nhiều người Thái Lan mong chờ. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử khủng hoảng
ở Thái Lan, các cuộc bạo động ở nước này tựa như căn bệnh nan y khó chữa. Duy
trì ổn định vẫn là một bài toán chưa tìm ra lời giải.
Thành
Huy Long - tamnhin.net