Dân Việt - “Đi biểu tình dù rất lo sợ đánh bom, nhưng chúng tôi vẫn
quyết sẽ biểu tình đến cùng” - Noon Apinita - một người biểu tình ở Thái Lan
cho biết khi trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN.
Noon Apinita là một nghiên cứu sinh tại Mỹ. Cô trở về Thái Lan
và tham gia vào cuộc biểu tình chống Chính phủ của Thủ tướng Yingluck từ những
ngày đầu của tháng 11.2013.
Mục đích bạn tham gia cuộc biểu tình do ông Suthep khởi xướng và
dẫn dắt là gì?
Noon Apinita tham gia đoàn biểu tình bằng xe mô tô. (Ảnh do nhân
vật cung cấp)
- Tôi đã tham gia cuộc biểu tình từ những ngày đầu khởi xướng.
Có 4 mục đích chính để tôi quyết định đứng trong hàng ngũ của những người biểu
tình. Thứ nhất, tôi thấy Chính phủ của bà Yingluck đã cố gắng để thông qua đạo
luật ân xá, với lý do để hòa giải nhưng thực chất là nhằm giúp cho anh trai của
bà là ông Thaksinh trở về Thái Lan.
Thứ 2, chính quyền đương nhiệm đã “tẩy não” người dân về chủ
nghĩa tư bản và “tiêu diệt” tất cả nền văn hóa Thái Lan. Thứ 3 là về vấn đề dân
chủ. Chính phủ đương nhiệm đã không trả lời đúng các câu hỏi của phe đối lập
đưa ra trong Quốc hội và thường bỏ qua những yêu cầu chính đáng của phe đối lập.
Thứ 4, tôi nhận thấy không có sự “kiểm soát và cân bằng” trong hệ
thống khi Chính phủ từ chối phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Điều này càng cho
thấy rõ Chính phủ đang độc tài và tin rằng tòa án chỉ hoạt động để phục vụ cho
lợi ích của họ. Đó là những lý do tôi tham gia biểu tình phản đối Chính phủ của
bà Yingluck.
Bạn có nghĩ rằng, phe biểu tình sẽ không đạt được mục đích cuối
cùng hay không?
- Tôi nghĩ chúng tôi sẽ phần nào đạt được mục tiêu đặt ra. Tuy
nhiên, nếu chúng tôi không làm được điều đó, ít nhất chúng tôi đã có thể làm dư
luận trong và ngoài nước Thái biết rõ được sự chuyên chế và hạn chế của chính
quyền đương nhiệm. Tôi không nghĩ rằng, sau những gì diễn ra, Chính phủ sẽ dễ
dàng để điều hành đất nước.
Ông Suthep đã hứa hẹn điều gì khi mời các bạn tham gia biểu
tình?
- Ông ấy nói rằng, chúng tôi sẽ dừng lại một khi Thủ tướng
Yingluck từ chức. Sau đó chúng tôi sẽ trao lại quyền kiểm soát cho Hội đồng
nhân dân. Ông Suthep cũng hứa rằng, ông sẽ không nhận bất kỳ vị trí chính trị
nào trong bộ máy chính quyền, nếu biểu tình thành công.
Bạn nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng thậm chí nếu có xảy ra đảo
chính cũng sẽ không làm cho tình hình ở Thái Lan tốt hơn, trong khi đó, hành động
của người biểu tình đang làm cho nền kinh tế Thái Lan bị thiệt hại nặng nề ?
- Một cuộc đảo chính không phải là những gì chúng tôi thúc giục.
Chúng tôi biểu tình là làm một cuộc cách mạng để thay đổi, đưa nước Thái đi lên
phía trước, vững mạnh và dân chủ hơn. Như bạn biết đấy, đảo chính sẽ không làm
thay đổi được nước Thái, thậm chí sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Phe Áo đỏ sẽ
lại trỗi dậy và Chính phủ sẽ có một cái cớ để nói trên diễn đàn thế giới.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, biểu tình đã làm ảnh hưởng nặng
nề đối với nền kinh tế Thái Lan. Nhưng điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn,
không ảnh hưởng đến những chính sách phát triển dài hạn của Chính phủ và so với
những chính sách gây tranh cãi như chương trình thế chấp gạo, chính sách giảm
thuế xe hơi, thẻ tín dụng nông dân… thì những thiệt hại mà bạn đề cập đến không
ăn thua gì.
Sau các vụ đánh bom nhằm vào người biểu tình trong vài ngày qua,
các bạn có thấy sợ hãi vì điều đó không?
- Tôi có lo sợ nhưng tôi vẫn tham gia các cuộc biểu tình. Chúng
tôi cho rằng, đó chỉ là trò chơi của ai đó đang cố gắng để tạo ra nỗi sợ hãi
cho những người biểu tình mà thôi.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải đấu tranh vì Thái Lan thay
vì chỉ biết ngồi yên và phàn nàn. Chúng tôi chia sẻ hiểu biết chung và chúng
tôi xem nhau như anh, chị, em trong một nhà. Tuy vậy, chúng tôi sẽ thận trọng
và quan sát kỹ hơn trong quá trình biểu tình để đảm bảo an toàn cho bản thân và
những người biểu tình khác. Khi tôi tham gia biểu tình, tôi thường nói chuyện với
những người khác, chủ yếu là người lớn tuổi, họ nói rằng, họ thấy lo ngại cho
con cái họ khi lớn lên. Vì thế dù có lo sợ chúng tôi vẫn tiếp tục biểu tình, đó
là vì cho thế hệ tiếp theo của chúng tôi trong tương lai.
Các bạn có nghĩ đến trường hợp bà Yingluck sẽ không từ chức và nếu
bầu cử bà ấy sẽ tiếp tục chiến thắng hay không? Các bạn định sẽ biểu tình cho đến
bao giờ?
- Nếu cuộc bầu cử vẫn diễn ra và trong trường hợp bà Yingluck
tái đắc cử, tất nhiên cuộc khủng hoảng sẽ không thể được giải quyết và họ vẫn
tiếp tục cố gắng để thông qua đạo luật ân xá. Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình nếu
họ trở lại với cùng một vấn đề đó.
Các phương tiện truyền thông quốc tế viết rằng, đi biểu tình ở
Thái Lan rất sướng, được trả tiền và được phục vụ thức ăn, đồ uống miễn phí. Bạn
có nghĩ rằng, ngoài những người có lý tưởng như bạn, thì một bộ phận không nhỏ
tham gia biểu tình với mục đích như tôi vừa liệt kê?
- Tôi không nghĩ như vậy. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều
điều, từ lý tưởng, quan điểm chung và dĩ nhiên chúng tôi cùng chia sẽ bầu không
khí thư dãn sau khoảng thời gian dài biểu tình. Như bạn biết, chúng tôi đã tụ tập
biểu tình phản đối chính phủ từ lâu và rất đáng tiếc cho những người lớn tuổi đến
từ các vùng lân cận Bangkok. Họ đã phải ở lại trong các căn lều với thời tiết lạnh
thì việc họ được chăm sóc ăn uống là điều dễ hiểu.
Thực tế, đi biểu tình không sướng như mọi người nhìn thấy, nhất
là đối với các vệ sĩ, lực lượng bảo vệ người biểu tình. Họ phải thay nhau thức
trắng đêm để bảo vệ chúng tôi trong bối cảnh bạo lực xảy ra cả ban đêm lẫn ban
ngày như trong những ngày gần đây.
Chúng tôi chỉ thấy vui vẻ và thoải mái ở chỗ, 80% người tham gia
biểu tình đã có những nhận thức chung và chia sẻ cùng nhau những quan điểm đó.
Xin cảm ơn bạn!
Thái
Lan cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày
20.1, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattantabutr cho
biết chính quyền Thái Lan đang cân nhắc “một cách rất nghiêm túc” khả năng
ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi bạo lực xảy ra ở thủ đô cuối tuần qua. Sắc
lệnh khẩn cấp sẽ cho phép các cơ quan an ninh Thái Lan ban bố lệnh giới
nghiêm, bắt giữ nghi can không cần lệnh của tòa, kiểm duyệt giới truyền
thông, cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên…
Ông
Paradorn Pattantabutr cho biết, việc người biểu tình chiếm đóng các văn phòng
chính phủ hiện chỉ mang tính biểu tượng vì họ vào các trụ sở này rồi lại ra.
Tuy nhiên, nếu chiến thuật của người biểu tình thay đổi và họ chiếm đóng các
ngân hàng hoặc văn phòng chính phủ lâu dài thì nguy cơ rối loạn sẽ gia tăng
và khi đó chính quyền sẽ buộc phải áp đặt Luật Tình trạng khẩn cấp. Ông Paul
Chambers- Giám đốc nghiên cứu Viện Các vấn đề Đông Nam Á nhận định, các vụ
tấn công nhằm kích động bạo lực sẽ khiến quân đội phải can thiệp.
|