VOV.VN - Tòa án cho phép Thủ tướng
tạm quyền Yingluck Shinawatra và Ủy ban bầu cử Thái Lan có thể hoãn bầu cử Hạ
viện.
Chiều qua
(24/1), Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã
ra phán quyết cho rằng Thủ tướng tạm quyền
Yingluck Shinawatra và Ủy ban bầu cử Thái Lan có thể hoãn bầu cử Hạ viện bằng
cách ban hành một sắc lệnh ấn định ngày bầu cử mới. Dư luận Thái Lan đã có
những phản ứng khác nhau về vấn đề này.
Tối cùng
ngày, tại trụ sở đảng Vì nước Thái, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thái Lan tạm
quyền Worathep tuyên bố: Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã được
báo cáo phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Chính phủ Thái Lan sẽ bày tỏ thái độ
sau khi xem xét kỹ nội dung phán quyết chính thức của Tòa. Thủ tướng Yingluck
cũng sẵn sàng thảo luận với Ủy ban bầu cử về việc hoãn bầu cử theo chỉ dẫn của
Tòa án Hiến pháp.
Bộ trưởng Văn phòng
Thủ tướng Thái Lan tạm quyền Worathep trả lời báo chí
Tuy
nhiên, ông Worathep khẳng định quan điểm của Chính phủ Yingluck hiện nay: Nếu
thực sự có hoãn bầu cử Hạ viện thì phải kèm theo điều kiện, đó là, phải không
có sự ngăn cản bầu cử; phải chấm dứt cuộc biểu tình do ông Suthep lãnh đạo;
không được tẩy chay bầu cử. Còn việc hoãn bầu cử trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào
cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Yingluck và Ủy ban bầu cử.
Trong khi
đó, Chủ tịch đảng Vì nước Thái kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Charupong cho biết:
Điều 108 của Hiến pháp hiện hành quy định rõ cuộc bầu cử phải diễn ra trong
vòng 45 đến 60 ngày; do đó nếu có hoãn bầu cử thì chỉ có thể hoãn tới ngày mùng
6/2.
Sau khi
có phán quyết của Tòa án Hiến pháp, đại diện Ủy ban bầu cử Thái Lan tuyên bố
tôn trọng phán quyết của Tòa; Ủy ban bầu cử sẽ họp vào ngày 25/1 và sẽ tổ chức
thảo luận với Thủ tướng Yingluck vào ngày 27 hoặc 28/1. Tuy nhiên, nếu không có
gì thay đổi, Ủy ban bầu cử sẽ vẫn tiếp tục tổ chức bầu cử vào ngày mồng 2/2
tới.
Cũng vào
chiều qua, ông Suthep và ban lãnh đạo biểu tình cũng đã họp và ra quyết định sẽ
không ngăn cản người dân đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử sớm 26/1 và ngày bầu cử
chính thức mồng 2/2. Tuy nhiên, ban lãnh đạo không ngăn cấm người biểu tình có
những hoạt động về quyền tự do thể hiện chính kiến của họ.
Trong khi
đó, biểu tình chống Chính phủ sẽ vẫn tiếp tục. Thực tế, trong ngày hôm qua,
hoạt động biểu tình chống phá bầu cử vẫn diễn ra ở Bangkok và một số tỉnh miền
Nam Thái Lan. Trong khi đó, Đảng Dân chủ đối lập đã tuyên bố gây sức ép Thủ
tướng Yingluck chấp nhận hoãn bầu cử.
Về phía
dư luận xã hội Thái Lan, nhiều học giả, chuyên gia pháp luật ủng hộ dân chủ của
Thái Lan đã chỉ trích phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Họ cho rằng phán quyết
của Tòa không mang tính ràng buộc và không dựa trên cơ sở pháp lý, do đó việc
hoãn bầu cử khó khả thi.
Các ý
kiến nêu trên mong muốn Chính phủ Thái Lan tạm quyền cần phải quyết định tiếp
tục tiến trình bầu cử Hạ viện theo đúng thời hạn đã định./.
(vov.vn)