22/1/14

Các kịch bản “hậu” tình trạng khẩn cấp

(Chinhphu.vn) - Hôm nay 22/1, sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đã được Chính phủ Thái Lan áp dụng tại thủ đô Bangkok và 3 tỉnh lân cận là Nonthaburi, Pathumthani và Samut Prakan.
Sắc lệnh này về lý thuyết sẽ cho phép các cơ quan an ninh áp đặt lệnh giới nghiêm, bắt giữ không cần cáo trạng các đối tượng tình nghi, kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ tập quá 5 người vì mục đích chính trị…

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul- người điều hành Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự (CAPO) khẳng định, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là điều cần thiết nhằm đối phó với phong trào chiếm đóng Bangkok do lực lượng biểu tình đối lập tiến hành nhiều ngày qua.
Quyết định trên được đưa ra sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình làm tê liệt một số khu vực tại Bangkok. Chính phủ Thái giải thích rằng tình hình bạo động dự đoán sẽ gia tăng nên cần có biện pháp mạnh.
Cũng trong ngày 21/1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố chiến dịch “đóng cửa Bangkok” vẫn sẽ tiếp tục bất chấp luật tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, phe này đang có dấu hiệu ngày càng đuối sức. Hôm qua là ngày thứ tám của chiến dịch biểu tình phong tỏa thủ đô nhưng số người tham gia giảm mạnh. Ở các điểm người chống đối chiếm giữ không còn đông như những ngày đầu dù ông Suthep vẫn ra sức đi vận động mỗi ngày. Nhiều người từ các tỉnh miền nam kéo lên Bangkok lúc trước đã tỏ ra chán nản và trở về nhà sau nhiều ngày biểu tình không có kết quả rõ rệt. Cảnh sát cho biết, giao thông tại nhiều tuyến đường đi qua các khu vực chiếm đóng đã trở lại tương đối bình thường.
Trong khi đó, phong trào “áo trắng” quy tụ những người chống biểu tình và ủng hộ bầu cử bắt đầu lan rộng khắp Thái Lan. Các đảng cũng đã tiến hành vận động bầu cử, rầm rộ nhất là đảng cầm quyền Puea Thai ở các tỉnh bên ngoài Bangkok.
Chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của phe đối lập ở Thái Lan, trên thực tế không mang lại đột phá nào về mặt chính trị nhưng ít nhất cũng đang dồn chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinwatra vào tình thế bắt buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp dù không muốn. Bởi tình trạng khẩn cấp là con dao hai lưỡi, nó có thể là điều kiện để quân đội can thiệp.
Về phía chính phủ, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung- người sẽ giám sát việc thực hiện sắc lệnh tình trạng khẩn cấp cho biết, Thái Lan sẽ tuân thủ các quy tắc quốc tế. “Chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực. Chúng tôi không có chính sách giải tán họ và chúng tôi vẫn chưa công bố lệnh giới nghiêm”, ông nói.
Hiện nay ở Bangkok, cảnh sát và binh sĩ đang cùng làm nhiệm vụ tại nhiều chốt kiểm tra vốn được dựng lên để tăng cường an ninh sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công nhằm vào người biểu tình và thủ lĩnh của họ. Ngay chiều qua, binh sĩ đã xuất hiện tại nhiều khu vực ở Bangkok cũng như 3 tỉnh Nonthaburi, Pathumthani và Samut Prakan.
Càng gần đến ngày bầu cử Quốc hội trước thời hạn dự định diễn ra ngày 2/2 tới, tình hình an ninh tại thủ đô Bangkok càng trở nên xấu đi. Chiến dịch phong tỏa làm tê liệt thủ đô đã diễn ra hơn một tuần. Người biểu tình vẫn tiếp tục chiếm giữ các nút giao thông quan trọng.
Thủ tướng Yingluck nhiều lần khẳng định bầu cử là giải pháp tốt nhất để đưa Thái lan ra khỏi khủng hoảng. Trong khi đó, phe đối lập vẫn duy trì yêu sách đòi Thủ tướng từ chức và thay thế chính phủ bằng một “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử, tạm thời điều hành đất nước và cải cách thể chế.
Tình trạng rối loạn ở Bangkok tiếp tục gây tổn hại nền kinh tế Thái Lan. Bộ trưởng Tài chính Kittirat Na Ranong nhận định kinh tế nước này chỉ có thể tăng trưởng 3% trong năm nay so với dự báo 4,5% do sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ và du lịch đều suy giảm. Đến nay, đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới đã ban hành cảnh báo công dân nước mình không đi du lịch tới Thái Lan trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một số nhà quan sát đã cho rằng có sự tương đồng giữa phong trào biểu tình hiện nay ở Thái Lan và phong trào "Đảng Trà" ở Mỹ. Cả hai phong trào đều có sự ủng hộ từ một bộ phận dân chúng trong nước và một số nhóm lợi ích xã hội, nhưng không thể giành chiến thắng cuộc bầu cử toàn quốc.
Cuộc biểu tình hiện nay được cho là sẽ được tiến hành theo kiểu "bổn cũ soạn lại". Bằng cách làm tê liệt Bangkok, các nhà lãnh đạo của phong trào chống đối chính phủ hy vọng sẽ khiến chính quyền của bà Yingluck phải áp dụng những biện pháp cứng rắn, hoặc có thể khuấy động bạo lực trong phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ. Sau đó, họ sẽ tận dụng sự bất ổn này để tuyên bố chính phủ không có khả năng cầm quyền hợp pháp và tạo một cái cớ cho quân đội khởi động một cuộc đảo chính khác. Họ biết rằng không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới nên sẽ làm tất cả để ngăn bầu cử diễn ra.
Tuy nhiên, nếu những người biểu tình thành công, sự oán giận của tầng lớp nghèo hơn ở Thái Lan- những người cho rằng nguyện vọng bầu cử của mình thường bị bỏ qua- sẽ càng dữ dội. Ngược lại, nếu những người biểu tình thất bại, gần như chắc chắn rằng họ sẽ còn dễ kích động hơn trong một thời gian dài nữa, cho đến khi cuộc đấu tranh tiếp theo diễn ra.

Nguyễn Chiến - baodientu.chinhphu.vn