Khủng
hoảng chính trị đang đánh mạnh vào nền kinh tế và người dân Thái Lan. Ngay sau
khi phe biểu tình tuyên bố ngăn chặn bầu cử đến cùng với hơn 200.000 người bủa
vây khắp thủ đô Bangkok thì Thái Lan ghi nhận mức trượt giá kỷ lục của đồng
baht trong 4 năm qua. 32,75 baht đổi 1 USD ngay trong ngày đầu tuần 23-12.
Trang tin Thai PBS thuộc Tổ hợp truyền thông Thai PBS và tờ Financial Times đã
có những bài phân tích thiệt hại về kinh tế, nhất là đối với hai ngành kinh
doanh chủ chốt của Thái Lan là du lịch và nông nghiệp.
Thai
PBS trích lời của Giám đốc hãng hàng không Thái Lan Suvarnbhumi Raweewan
Netarakawet cho biết, lượng khách du lịch đến quốc gia này trong giai đoạn biểu
tình rầm rộ (đúng vào mùa du lịch) chỉ tăng 1% trong khi mức ước tính trước đó
là 6%. Những ngày cuối tuần ở Thái Lan bây giờ không còn là những ngày tiệc
tùng đình đám mà thay vào đó là không khí ảm đạm. Hàng loạt dự báo xấu được đưa
ra từ những nguồn uy tín. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) Prasarn
Trairatworakul tỏ ra lo lắng về tình hình chính trị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến
nền kinh tế. Ông cho rằng, nhiệm vụ của chính phủ là hoạch định chính sách để
thúc đẩy kinh tế đất nước. Nếu không có hệ thống quản lý hiệu quả thì kinh tế
đất nước chắc chắn sẽ ngày càng tồi tệ. Trung tâm Nghiên cứu thị trường
Kasikorn (Thái Lan) dự đoán, tăng trưởng kinh tế năm 2013 của Thái Lan sẽ chỉ
đạt 2,7%. Đại học Dusit của Thái Lan đưa ra đánh giá sơ bộ cho biết, tình hình
bất ổn chính trị ở Thái Lan làm cho kinh tế nước này bị thiệt hại ít nhất là 10
tỷ USD do những tác động tiêu cực tới ngành du lịch, tiêu dùng và mất cơ hội về
đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.
Trong
khi Bangkok nóng lên từng ngày với đám đông biểu tình thì ở các khu vực nông
thôn, người làm nghề nông lo sợ lâm vào tình trạng “khó trở tay”. Mana
Nutchyoo, một nông dân ở tỉnh Ayutthaya, miền Bắc Bangkok vừa phải vay 15.000
USD để trả trước nửa khoản tiền mua thiết bị canh tác. Nông dân đứng giữa mâu
thuẫn của chính phủ và phe đối lập nhưng là người chịu thiệt thòi hơn cả. Phần
lớn chỉ trích phe đối lập đã quá hung hăng, chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính và Vụ
Ngân sách, cản trở việc chi tiền của Chính phủ Thái Lan, khiến chuyện giải ngân
cho vay vốn bị đình trệ. Theo báo cáo mới được công bố của Ủy ban Kiểm toán
Thái Lan, chính phủ nước ngày đã lỗ khoảng 11 tỷ USD trong 3 mùa vụ trợ giá gạo
gần đây, chiếm 58,8% tổng số ngân sách hơn 22 tỷ USD cấp cho chương trình trong
một năm rưỡi qua. Người dân Thái Lan dựa vào chương trình này và gần như bị
động nếu tiền không được chuyển đúng thời hạn. Chính trị ổn định sẽ tạo điều
kiện phát triển kinh tế. Chính sách kinh tế thiết thực sẽ củng cố địa vị chính
trị. Vòng lẩn quẩn chính trị - kinh tế đang đẩy người dân Thái Lan, nhất là
nông dân vào thế khó.
Nhiều
chuyên gia phân tích kinh tế cho rằng, nhân tố tích cực duy nhất để củng cố
tăng trưởng kinh tế tại Thái Lan chính là khả năng kinh tế toàn cầu được cải
thiện vào năm 2014. Từ đó, ngành xuất khẩu Thái Lan được cải thiện. Bên cạnh
đó, vì bất lợi đến từ nền chính trị không ổn định, Thái Lan sẽ khó tạo cú hích
để giữ vững vị trí là nền kinh tế thứ hai trong khu vực.
NHƯ QUỲNH - sggp.org.vn