15/12/13

Cựu Thủ tướng Thaksin có thể không bao giờ trở về

(VnMedia) - Sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn luôn là một người đàn ông rất bận rộn. Nhà tỉ phú này mua đi bán lại câu lạc bộ bóng đá Manchester City
của Anh, mua một mỏ titan ở Zimbabwe, khởi nghiệp một công ty sổ xố ở Uganda và giành được hộ chiếu của Nicaragua. Ông Thaksin từng có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Cựu Thủ tướng Thaksin
Tuy nhiên, ngoài những việc trên, các đối thủ và kẻ thù của vị cựu Thủ tướng còn cáo buộc ông này đang bận rộn cả với việc điều hành đất nước Thái Lan từ xa để tìm đường quay trở lại tiếp quản quyền lực thông qua các kế hoạch được cho là khoét sâu thêm mâu thuẫn chính trị và dẫn đến biểu tình đổ máu ở trong nước.
Nỗ lực mới nhất nhằm xóa bỏ tội danh tham nhũng mà ông phải đối mặt năm 2008 để trở về Thái Lan như một người tự do là một tính toán hoàn toàn sai lầm bởi nó đã làm dấy lên phong trào biểu tình rầm rộ chống chính quyền của em gái ông. Sự trở về của ông Thaksin vào thời điểm này là không thể nhưng giới phân tích tin rằng, với sự giàu có cùng các đồng minh quyền lực và một thành trì ủng hộ hết mình ở khu vực nông thôn, cựu Thủ tướng Thaksin sẽ tiếp tục có ảnh hưởng rộng khắp ở đất nước Thái Lan.
Và tất nhiên, vị cựu chính khách 64 tuổi này vẫn tiếp tục là nhân vật gây chia rẽ trong lịch sử hiện đại Thái Lan. Ông Thaksin bị căm ghét bởi tầng lớp hoàng gia, trung lưu, thành thị. Những người này miêu tả vị cựu Thủ tướng là con người “kiêu căng, tự mãn muốn thách thức cấu trúc quyền lực truyền thống, trong đó có nền dân chủ”. Trong khi đó, ông này lại được sùng bái, tôn thờ gần như một vị Thánh bởi những người nghèo, những người nông thôn bởi dưới thời của ông họ đã được quan tâm và có cảm giác được trao quyền lực thực sự.
"Ông ta mua tất cả mọi thứ ở đất nước này. Ông ta thậm chí mua cả linh hồn của bạn”, một doanh nhân có tên là Chinda Dhamawong tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ trên một đại lộ ở thủ đô Bangkok cho biết.
Trong khi đó, tại thành trì ủng hộ chính của cựu Thủ tướng Thaksin – khu vực phía đông bắc Thái Lan, những người dân ở làng Kambon tin tưởng và yêu mến ông này vì ông đã đem lại cho họ nhiều lợi ích như điện, những khoản vay lãi suất thấp, mua gạo của họ với giá cao và một chính sách y tế gần như miễn phí. “Tất cả những điều đó đến từ Thaksin. Đó là lý do tại sao người dân nông thôn muốn ông trở lại, tại sao tôi muốn ông ấy trở lại”, một người dân có tên là Thongchan Potaklang, 61 tuổi cho biết.
"Mọi việc ở Thái Lan luôn là về Thaksin nhưng bây giờ còn vượt xa hơn vấn đề Thaksin”, ông Thitinan Pongsudhirak – một nhà khoa học chính trị ở Đại học Chulalongkorn, thủ đô Bangkok, nhận định.
“Chính quyền Thaksin” có bị xóa bỏ?
Một nghị sĩ hàng đầu Thái Lan – ông Suthep Thaugsuban đã từ chức khỏi Quốc hội để dẫn đầu phong trào biểu tình chống chính phủ hiện nay. Ông này muốn thay thế nữ Thủ tướng Yingluck bằng một hội đồng nhân dân không phải do dân bầu lên với mục đích được tuyên bố là để xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin. 
Phe đối lập gọi chính phủ Thái Lan hiện nay là “chính quyền Thaksin” bởi họ cáo buộc bà Yingluck chỉ là “con rối” trong tay anh trai và rằng ông này đang điều hành đất nước từ xa.
Cựu Thủ tướng đang sống lưu vong trong một biệt thự sang trọng ở Dubai và thường xuyên đi lại khắp thế giới. Trong phần lớn thời gian qua, ông Thaksin hầu như im lặng, không lên tiếng gì về cuộc khủng hoảng ở quê hương mình. Tuy nhiên, trong một status được đăng lên trang Facebook cá nhân gần đây, cựu Thủ tướng Thaksin đã phủ nhận những lời cáo buộc mà phe đối lập liên tiếp đưa ra về việc ông không trung thành với gia đình hoàng gia, trong đó có Quốc vương Bhumibol Adulyadej – người được dân Thái Lan rất mực tôn kính. "Nền chính trị Thái đang bị quấy đảo bởi những kẻ tàn ác, máu lạnh. Xin dừng độc ác với tôi như thế nữa”, ông Thaksin viết.
Mặc dù đang phải sống lưu vong ở bên ngoài nhưng ông Thaksin vẫn là một người năng động, đầy nhiệt lượng và vẫn đầy tham vọng. Ông này đã xây dựng một đế chế kinh doanh thứ hai mở rộng ra bên ngoài, bao gồm một công ty khai mỏ được đầu tư tới 30 triệu USD ở Châu Phi. Năm 2007, cựu Thủ tướng từng mua Câu lạc bộ Manchester City và bán nó một năm sau đó. Ông này cũng trở thành cố vấn kinh tế của chính phủ Campuchia và các chính phủ khác. Chưa hết, ông Thaksin còn mở một công ty sổ xố khá nổi tiếng mang tên "Go Lotto" ở Uganda. Ở Montenegro, ông mua một khác sạn sang trọng.
"Tôi là người năng động. Tôi không thể ngồi yên”, ông Thaksin đã thừa nhận như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Australia năm 2011.
Bà Yingluck gần đây đã nói với giới báo chí rằng, anh trai bà không muốn dính líu gì đến chính trị nữa. Cả ông Thaksin và bà Yinluck trước đây đều từng khẳng định như vậy nhưng vị cựu Thủ tướng được cho là vẫn đóng vai trò cố vấn cho những người ủng hộ mình trong Đảng Pheu Thai cầm quyền.
Ông Thaksin được cho là chất xúc tác giúp đánh thức những tiếng nói bị bỏ quên, bị phớt lờ đã lâu ở vùng nông thôn.
Giới phân tích tin rằng, ông Thaksin vẫn sẽ là người chơi chính trên chính trường Thái Lan trong những năm sắp tới nhưng chắc chắn ông sẽ không trở về đất nước trong tương lai trước mắt.

Vân Linh (tổng hợp) - vnmedia.vn