Hơn 20 năm trước (vào khoảng năm 1988)
tôi là nhân viên ngoại giao công tác tại đại sứ quán Việt Nam đóng ở thủ đô
Bangkok, Thái Lan. Một hôm, Đại sứ Lê Mai gọi tôi đến căn dặn, “Đại tướng Võ
Nguyên Giáp trên đường đi thăm các nước sẽ đến nghỉ chân tại sứ quán ta hôm
nay,
sáng mai cậu dẫn cụ Giáp đi dạo phố và nhân tiện mua cho cụ một đôi giày
mới. Tôi thấy đôi giày cụ mang cũ quá rồi!”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Huy
Khâm.
Vào thời đó, tình hình kinh tế trong
nước đang rất khó khăn và thiếu thốn mọi thứ vì cuộc khủng hoảng giá
-lương-tiền. Tôi đã dẫn Đại tướng đến Trung tâm Thương mại Central Plaza, ở
đường Ploenchit, cách sứ quán không xa. Nhìn thấy khu đại siêu thị đồ sộ 5-6
tầng, với nhiều hệ thống thang cuốn (hồi đó ở Việt Nam chưa có siêu thị) và các
gian hàng lộng lẫy chứa nhiều loại hàng hóa đầy ắp, Đại tướng thở dài, nói với
tôi, “bao giờ nước ta cũng có các khu siêu thị lớn và hiện đại như thế này
nhỉ?”. Rồi cụ nói tiếp, “kể ra Thái Lan họ làm được thì mình cũng làm được, chỉ
là chậm hơn mà thôi vì mình đi sau họ, miễn là phải thay đổi tư duy kinh tế cho
phù hợp. Vấn đề khó nhất là làm sao phát triển kinh tế nhanh mà mọi người dân
đều được hưởng thành quả, có nhiều siêu thị lớn hiện đại nhưng phải làm sao để
có nhiều người dân bình thường đến đó mua sắm được, chứ không phải chỉ là nơi
dành cho những người giàu”.
Sau đó tôi chọn mua cho cụ một đôi giày
da với giá (tôi còn nhớ rất rõ) lúc đó là 700 baht (khoảng 25 đô la Mỹ). Cụ lắc
đầu phản đối, “đắt quá, các cậu chỉ vẽ chuyện!”. Tôi cảm thấy vừa kính phục
tính giản dị và tiết kiệm của cụ, vừa thấy xót thương cho cuộc sống quá đạm bạc
của một vị tướng nổi danh thế giới, đã suốt đời tận tụy hy sinh vì nước vì dân.
Tôi cố năn nỉ và thuyết phục rằng đây chỉ là món quà rất nhỏ của sứ quán thể
hiện tấm lòng kính yêu của toàn thể cán bộ nhân viên trong cơ quan dành cho cụ,
đây không phải là lạm dụng công quỹ ngân sách nhà nước để tiêu xài ngoài quy
định. Cuối cùng cụ mới chịu nhận món quà đó. Còn nhớ, quy định của Bộ Tài chính
về chi tiêu ngoại tệ cho cán bộ đi nước ngoài hồi đó rất ngặt nghèo, cán bộ đi
công tác mỗi ngày chỉ được phụ cấp 2-3 đô la Mỹ tiền tiêu vặt.
Ngày nay, nhìn thấy hàng trăm siêu thị
lớn nhỏ mọc lên khắp các đô thị lớn ở nước ta, trong đó có nhiều trung tâm
thương mại còn to lớn và sang trọng hơn cả Central Plaza ở Bangkok, như Tràng
Tiền Plaza ở Hà Nội. Gần đây khi nghe tin báo chí phản ảnh hiện tượng khách
hàng đến Tràng Tiền Plaza “vắng như chùa bà đanh”, tôi lại nhớ đến lời tiên
đoán và nỗi trăn trở mà Đại tướng đã nêu ra cách nay 25 năm quả thật là chính
xác và sáng suốt.
Lần gặp thứ hai, là vào tháng 5-1990.
Hôm đó tôi dẫn ông Phonglert Srisukanan đến chào Đại tướng Giáp tại Hà Nội. Ông
Phonglert là cựu đại úy trong quân đội Thái Lan dưới thời Chính phủ Pridi. Ông
từng được Thủ tướng Pridi Bhanomyong giao nhiệm vụ chuyên chở vũ khí bí mật để
tiếp tế cho Việt Minh chống thực dân Pháp. Sau khi Đại tướng nói chuyện thân
mật và chân thành cám ơn ông vì đã có công trực tiếp giúp Việt Nam trong cuộc
kháng chiến, ông Phonglert nói đại ý rằng “nhắc đến Việt Nam, người Thái Lan
chúng tôi chỉ nhớ tên hai nhân vật lãnh đạo là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Võ
Nguyên Giáp. Nay được gặp trực tiếp ngài là niềm vinh hạnh to lớn của đời tôi.
Tôi là người lính cấp dưới, việc tôi làm chỉ là theo mệnh lệnh của cấp trên,
thế mà gần 50 năm đã qua vẫn được Đại tướng ghi nhớ và cảm ơn, tôi thực sự cảm
kích”. Sau đó, ông Phonglert nói riêng với tôi rằng lúc chưa gặp Đại tướng, ông
cứ tưởng rằng một vị tướng lừng danh thế giới như Tướng Giáp, chắc hẳn phải rất
bệ vệ, cao ngạo lắm, không ngờ khi gặp lại thấy ông rất hiền hậu và dễ gần, một
người không cao lớn, nhưng dáng vẻ toát lên sự oai phong, một con người rất
thông minh mà nhân hậu. Ông còn bày tỏ sự ngạc nhiên, “vì sao lại có sự kết hợp
kỳ lạ giữa hai thứ trái ngược nhau, giữa võ nghệ cao cường và tính nhân hậu,
như nước với lửa, ở trong một con người như Tướng Giáp. Tôi nghiệm ra rằng phải
chăng đó chính là sức mạnh tiềm ẩn của người Việt Nam”.
Tôi rất tâm đắc với đánh giá của ông
Phonglert về nhân cách của Đại tướng, nhất là về tính nhân hậu và thông minh.
Bởi điều quan trọng nhất mà người lãnh đạo nhất thiết phải có là cái “tâm” và
cái “tầm”, mà muốn có “tâm” thì phải là người nhân hậu, và muốn có “tầm” thì
phải là người có trí tuệ.
Vũ Tiến Phúc (*) - thesaigontimes.vn __________________________________________________
(*) Nguyên Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Việt
Nam tại Thái Lan