22/3/13

Văn hóa và bản năng…


“Lần thứ hai, tôi quay trở lại Thái Lan”. Nữ nhà báo kỳ cựu Kim Dung/Kỳ Duyên của Chuyên trang Tuần Việt Nam (thuộc báo điện tử VietnamNet - VNN) đã viết mở đầu như vậy. Cảm xúc của lần đến thứ hai chắc chắn khác với lần đầu.

Theo nhận xét riêng của tôi, chị Kim Dung có lối viết báo rất riêng: Lập luận chính diện, mạnh mẽ, sâu sắc, nhưng cũng dịu dàng, sâu lắng…
Tuy vậy, tôi cũng hơi tiêng tiếc chút xíu cho bài viết ngắn này của chị. Nếu (lại là suy nghĩ của riêng tôi) chị viết thêm chút xíu về ẩm thực của người Thái, về “thiên đường mua sắm” ở đất nước của những nụ cười này, thì sẽ phần nào thỏa mãn hơn đối với người đọc Việt chưa một lần, hoặc mới qua Thái một lần, hoặc mới biết sơ sơ về nước Thái.
SiamViet blog xin trân trọng giới thiệu bài viết về chuyến du ngoạn Thái Lan vào dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi của Kim Dung. Bài đã được đăng ở TuanVietnam.net và đăng lại ở Hiệu Minh blog (ở bolg này chị có nick đáng yêu là Tép Riu được các còm sỹ mến mộ).
An Bường

Văn hóa và bản năng...
Thật kỳ lạ về một đất nước của Phật giáo. Nơi này chữ Lễ được tôn vinh tột cùng. Nơi kia, chữ tự do con người- chữ bản năng- cũng tột cùng...
Lần thứ hai, tôi quay trở lại Thái Lan.
Nếu như Hà Nội đang tiết xuân, mưa phùn ẩm ướt, thì Bangkok lúc nào cũng nắng vàng chói chang. Khiến cho những chiếc mũ rộng vành cũng trở nên duyên dáng, bên những chiếc dù hoa sặc sỡ, di chuyển nhẹ nhàng dưới những mái chùa cong vút sơn son thếp vàng- một nét kiến trúc đặc sắc, riêng biệt không trộn lẫn của quốc gia này.
Những điểm khác biệt
Nhưng đó là ban ngày. Còn khi máy bay đoàn chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Suvarnabuhumi, cách Thủ đô Bangkok 25 km, đã 2 giờ đêm...
Bangkok đang thiếp ngủ trong oi nồng. Đường phố vắng tanh. Vậy mà cứ thấy đèn đỏ, cả dòng xe máy, ô tô- dù chỉ là rẽ phải- tất cả đều tự giác dừng lại tại ngã tư chờ đợi khá lâu, và chỉ phóng vụt khi đèn xanh bật lên. Cái hình ảnh cụ thể bắt gặp bất ngờ đó, là ấn tượng văn hóa khó quên nhất, khiến tôi bất giác nhớ tới Hà Nội của mình, và khe khẽ thở dài...
Trước đó, đã thấy những thiếu nữ Thái duyên dáng trong y phục cổ truyền, cầm sẵn những chiếc dây nơ hồng, có tết bốn bông hoa cúc vạn thọ, mỉm cười quàng vào cổ du khách, rồi chắp tay cúi khẽ. Những nụ cười đầu tiên của quốc gia được mệnh danh "xứ sở của những nụ cười"  đón khách lãng du.
Dịp này, đang mùa cao điểm du lịch của Thái Lan. Sân bay quốc tế Suvarnabuhumi, cứ một phút lại một chuyến máy bay lên, hoặc xuống. Sân bay còn có tên gọi "Mảnh Đất Vàng", có thời gian xây đạt kỷ lục thế giới- 45 năm mới xong, nhộn nhịp toàn khách nước ngoài. Trong đó, có lượng khách đáng kể là người Việt. Người Việt í a í ới gọi nhau...
Với 65 triệu dân, ngôn ngữ chính là tiếng Thái, tiếng Anh và cả tiếng Hoa, cho dù còn kha khá các khu "ổ chuột" xen kẽ các tòa nhà cao ốc, và dây điện cũng chằng chịt trên trời như những "tổ cò" nhân tạo, Thái Lan vẫn thực sự là một quốc gia phát triển, với một hệ thống tàu điện ngầm (Mass Rapid Transit) và tàu điện trên cao (Skytrain), loại hình giao thông mới mẻ ở khu vực Đông Nam Á.
Đất nước này có rất nhiều điểm khác biệt thú vị nếu so với Việt Nam. Người Thái không thích nhà "mặt tiền", "mặt phố", phổ biến họ ở hoặc biệt thự, hoặc chung cư. Trung bình mỗi gia đình có hai ô tô, nhưng tất cả đều trả góp: Nhà trả góp, ô tô trả góp, chỉ "mỗi lấy vợ là... trả bằng tiền mặt" như lời nói đùa của Phong, hướng dẫn viên của đoàn.
Đặc biệt, giá cả bán hàng ở Thái Lan, từ mặt hàng đẳng cấp nhất như vàng, cho đến các mặt hàng tiêu dùng phổ biến, đều nhất quán một giá cho cả người Thái lẫn người nước ngoài- một chiến lược thu hút khách du lịch được người dân Thái tôn trọng và tuân thủ.
Một điểm khác, đường phố rất ít bóng cảnh sát. Nhưng ở tất cả các trạm kiểm soát xe cộ, đều có hệ thống camera nghiêm ngặt. Bangkok cũng không hề có hiện tượng cảnh sát đứng kiểu... "anh hùng núp" như ở Hà Nội.  Người dân đi vắng, có thể giao nhà cho cảnh sát trông giữ hộ, dĩ nhiên phải có tiền thù lao chi trả.
Một góc thủ đô Bangkok nhìn từ tầng 76 của 
Baiyoke Sky Hotel (cao 88 tầng). Ảnh: Kỳ Duyên
Du lịch được coi là ngành "công nghiệp không khói", một ngành chính của nền kinh tế Thái Lan. Trên đó, ba điểm nhấn của sự phát triển, được coi là ba biểu tượng quốc gia, mà bất cứ du khách nào đến Thái Lan cũng không thể bỏ qua:
Đó là Hệ thống Cung điện Hoàng Gia, Voi, và Baiyoke Sky Hotel (tòa nhà cao 88 tầng), cao nhất của Thái Lan. Du khách ăn tự chọn các món hải sản, các món ăn Thái, hoặc của quốc tế (hơn 100 món ăn) và đứng ở tầng 76 của tòa nhà, có thể nhìn ra toàn cảnh Bangkok, tới tận "đường chân trời" của thủ đô.
Xoay xung quanh ba biểu tượng đó, là một loạt những địa danh hấp dẫn du khách, không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, mà còn được bàn tay lao động và trí tuệ thăng hoa của người Thái khôn khéo đắp bồi.
Có thể thấy điều đó ở Vườn Bướm, ở Siracha Tiger Zoo, Đảo San hô, Làng văn hóa Nongnooch (Pattaya). Hoặc Safari World- vườn thú tự nhiên lớn nhất châu Á, khu giải trí Marine Park, Trại nuôi Rắn độc với những trò biểu diễn rợn người cùng rắn (Bangkok)...
Chữ Lễ nơi này...
Nhưng Thái Lan còn là đất nước của Phật giáo. Giống như Lào, Phật giáo ở xứ sở này được coi là Quốc giáo, với 95% dân số là tín đồ đạo Phật.
Phật giáo phát triển nhất ở thời kỳ đầu của triều đại Sukhothai (1237- 1456), trong bốn thời kỳ của các triều đại: Sukhothai, Ayutthaya, Thon Buri và Rattanakosin (tên cũ của thủ đô Bangkok). Các đạo giáo nhỏ hơn bao gồm Ky Tô giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Thời kỳ Sukhothai, nhiều vị vua xây dựng chùa chiền, ủng hộ Phật pháp, thậm chí có những vị xuất gia tu học như Vua Ramkhamheng, Vua Lithai.
Vua Lithai được coi là một ông Vua Phật tử anh minh. Ông đã có công xây chùa và cho đúc rất nhiều tượng Phật trong thời ông trị vì. Như những tượng Phật ở Chùa Buddhajinarai, Chùa Phrarinatnahadhatu, Chùa Sadassana.
Các triều đại Ayudhya (1350- 1766), Thonburi và triều đại Bangkok do Vua Rama I thiết lập vẫn giữ được truyền thống phát triển Phật giáo một cách rực rỡ. Trong đó, triều đại Bangkok, nhất là Vua Rama V (Vua Mongkut) đã xuất gia tu học tại Chùa Bovoranives, và còn tổ chức biên tập lại bộ Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo đầu tiên trên thế giới, bằng tiếng Pali vào năm 1888, với 39 quyển, được in trên giấy...
Vì vậy, nếu không đến thăm các chùa chiền ở Thái Lan, có thể coi như chưa hiểu gì về quốc gia mộ Phật này.
Sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng, Thái Lan có khoảng hơn 30.000 ngôi chùa, với hơn 350.000 tăng sĩ. Nhưng con số này luôn biến động không ngừng, do ở Thái Lan, người ta coi lên chùa để tu như một nghĩa vụ, một bổn phận báo hiếu cha mẹ. Vua cha, Hoàng hậu, hoàng tử và các công chúa đều phải quỳ lạy trước nhà sư.
Nổi tiếng nhất là Chùa Phật Vàng (Wat Traimit). Chùa Phật Vàng là niềm tự hào sáng giá của người Thái, bởi nơi đây có bức tượng Phật bằng vàng nguyên khối lớn nhất thế giới, với chiều cao ba mét, nặng 5,5 tấn, được chế tác từ thời triều đại Sukhothai, triều đại Phật giáo rực rỡ nhất.
Chùa tọa lạc ở đường Yaowarat, gần ga Hualampong, thuộc quận Samphanthawong.
Người Thái coi bức tượng Phật độc đáo này là biểu tượng cho sự thịnh vượng, và thuần khiết, cũng như sức mạnh và quyền năng. Cũng còn bởi lịch sử thăng trầm của bức tượng. Nay, giá trị của bức tượng được định vị, trở thành nét đẹp khác biệt khiến du khách phải đặt chân đến đầu tiên nếu muốn tìm hiểu về đất nước Thái Lan.
Khách vào chùa, chỉ thấy một không khí trang nghiêm, nhẹ nhàng. Một hòm tiền công đức đặt rất ý tứ sau bức tượng, để khách có thể tùy tâm. Bỗng chợt nhớ đến không khí chen chúc hỗn độn, tiền lẻ đặt vung vãi khắp nơi ở các chùa của Việt Nam, nhất là nhớ đến tượng Phật Di Lặc ở chùa Bái Đính mới đây, "được" con nhang đệ tử dán tiền khắp người, một cách ứng xử cực kỳ... thiếu lễ. Mà thấy buồn quá...
Một biểu tượng độc đáo khác là Trân Bảo Phật Sơn (Khao Chee- Chan). Nằm ở tỉnh Chon Buri, cách TP Pattaya 15 km, Trân Bảo Phật Sơn- tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền- được tạc trên một vách núi giữa trời. Sự độc đáo của bức tượng Phật lớn này là được khắc nổi bằng vàng ròng 24 kara, cao 130 m, rộng hơn 70m, được xây dựng vào năm 1996, nhân dịp Quốc vương RaMa IX trị vì vương quốc Thái Lan được 50 năm.
Tuy bằng vàng lộng lẫy, nhưng không một kẻ gian nào dám "động chạm" đến. Người ta bảo, ở Thái Lan, kẻ cướp có thể dùng súng cướp ngân hàng, nhưng tượng Phật bằng vàng được tạc giữa trời xanh, thì đến lòng tham cũng phải cúi đầu.
Mới hay, cái Giàu vốn có ma lực quyến rũ. Nhưng chỉ cái Thiện mới có khả năng thức tỉnh con người.
Trân Bảo Phật Sơn (Tượng Phật Thích Ca được tạc trên núi). 
Ảnh: Kỳ Duyên
Chữ tự do "tột cùng" nơi kia...
Nếu Thái Lan là đất nước của Phật giáo, thì Thái Lan cũng có một thành phố cực kỳ "ăn chơi" được mệnh danh như "Hawaii của phương Đông". Hoặc được gọi là "thành phố những đêm không ngủ". Đó là Pattaya.
Cái làng chài nhỏ nằm bên bờ biển phía Đông của vịnh Thái Lan, có tên Pattaya, đã vĩnh viễn lui vào quá khứ. Giờ, chỉ có một thành phố Pattaya cuồng nhiệt, nóng bỏng suốt đêm ngày, gây... ấn tượng mạnh đến nỗi, nhiều người đã hỏi người viết bài: Có đến Pattaya không?
Làng chài Pattaya xưa heo hút, nay là một trong những điểm du lịch lớn nhất của Thái Lan với 5-7 triệu khách du lịch/ năm.
Sự "lột xác" ngoạn mục của nó không chỉ bởi thời gian, mà còn bởi những gì đang diễn ra...
Mỗi quốc gia có những quan niệm riêng về chiến lược du lịch, về phát triển. Đương nhiên, sự phát triển nào cũng có cái giá của nó.
Điểm hấp dẫn khách du lịch đầu tiên ở đây là Tiffany' Show - chương trình nghệ thuật đặc sắc mang màu sắc của nhiều quốc gia, do những diễn viên chuyên nghiệp chuyển đổi giới tính biểu diễn.
Nhà hát chứa khoảng 500 người, lúc nào cũng đông nghịt. Và chương trình biểu diễn thì thôi rồi: Sân khấu lộng lẫy, diễn viên trang phục lộng lẫy không kém. Và những tiết mục ca hát của các dân tộc thật tuyệt vời - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập, và cả Việt Nam..., hấp dẫn tất thảy lứa tuổi người lớn, trẻ em. Như một thế giới cổ tích mở ra với những ông vua, bà chúa, những vương miện, vàng bạc châu báu, cung điện xa hoa....
Thế nhưng, khi cánh màn sân khấu khép lại, thì những thân phận "cô tiên, công chúa" cũng... mở ra, dù thu nhập của họ cũng rất cao.
Những diễn viên chuyển giới đứng ở ngay sảnh nhà hát, sẵn sàng chụp ảnh với người hâm mộ. Đương nhiên, muốn được chụp ảnh với họ, người hâm mộ phải trả tiền. Họ thực sự như những người con gái đẹp, da trắng nõn, chân thon, thân thể nuột nà..., dù đâu đó, trên gương mặt, cánh tay, hay cổ họ, vẫn vương vất hình hài của nam giới. Vì vậy, mà ngắm họ, cảm xúc luôn lẫn lộn, mơ hồ.
Thái Lan cũng là một trong những quốc gia có số ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, con số dao động từ 10.000 đến 100.000 người. Họ- những người đẹp chuyển giới, như những bà chúa trên sân khấu. Còn trong cuộc đời, họ có thật sự ở "ngôi hậu" không, khi đi tìm việc làm, và nhất là tìm hạnh phúc lứa đôi, khi mà luật pháp và những định kiến của chính con người còn luẩn quẩn. Nơi rộng mở, nơi khép chặt...
Hạnh phúc hay bất hạnh ở họ, cũng mơ hồ như hình hài họ, rất khó trả lời.
Thế nhưng "điểm đỉnh" của Pattaya lại chính là những sex show. Cả nữ lẫn nam. Mới hiểu vì sao du lịch Thái Lan, đặc biệt của Pattaya cực kỳ hút khách.
Những diễn viên chuyển giới, sau buổi biểu diễn Baiy. 
Ảnh: Kỳ Duyên
Các khán phòng lúc nào cũng chật ních người, dù bàn ghế lẫn trang trí trông khá đơn giản, tồi tàn. Có điều, những nơi này cấm tuyệt đối việc chụp ảnh, dưới bất cứ phương tiện kỹ thuật nào. Các "diễn viên" diễn liên tục, vì vậy, khán giả xem hết một show có thể về, hoặc bỏ về giữa chừng. Lại thấy lũ lượt khán giả vào, nữ đông không kém nam.
Trên sân khấu, những "diễn viên" như những Eva, Adam thuở hồng hoang, uốn éo, mô tả những động tác bản năng của giống loài. Dưới sân khấu, khán giả thỉnh thoảng ồ lên, reo hò, cổ vũ, hoặc cười nghiêng ngả...
Thú thực, người viết có lúc cúi gằm, vì sợ, vì ngượng. Có lúc run quá, phải kéo chị bạn ngồi thật sát, khi thấy các "diễn viên" cứ thản nhiên đi đến bất cứ hàng ghế nào, để mời khán giả lên sân khấu, hoặc trêu đùa ...
Nhìn họ làm các động tác chỉ có thể ở trong phòng kín, bỗng buột một câu ngớ ngẩn: "Không biết các ông bố bà mẹ có biết con mình làm nghề này không nhỉ?". Chị bạn bảo: "Nhưng người Thái có được vào các khu này đâu. Chỉ có người nước ngoài thôi mà"
Chợt nhớ ra, mình là người Việt, người... nước ngoài.
Và cũng chợt nhớ ra, Thái Lan quản lý rất chặt những sex show này, khi quy định muốn vào xem khách du lịch phải nộp hộ chiếu, chứng minh mình không phải quốc tịch Thái.
Mỗi quốc gia có những quan niệm riêng về chiến lược du lịch, về phát triển. Đương nhiên, sự phát triển nào cũng có cái giá của nó.
Thật kỳ lạ về một đất nước của Phật giáo. Nơi này chữ Lễ được tôn vinh tột cùng. Nơi kia, chữ tự do con người- chữ bản năng- cũng tột cùng...
Nhưng hình như Thái Lan đã thành công, cả hai nơi...
Kỳ Duyên - vietnamnet.vn
-------------
Tham khảo: