Giống mít Viên Linh của Thái Lan đã thực sự “bén rễ” trên vùng đất
Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh TT- Huế) khi mà các giống cây trồng khác như
cau, chuối bị sâu bệnh hoành hành đã giảm đến 50% năng suất. Thông qua Chi cục
PTNT & Quản lý chất lượng NLTS tỉnh TT- Huế, giống mít Viên Linh
đã được đưa lên vùng cao Nam Đông trồng thử nghiệm.
Ông Trần Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho hay,
cây mít Viên Linh có tốc độ sinh trưởng cao, chỉ 2-3 năm là đã cho trái. Đến
nay 100 hộ dân tại 7 thôn của xã Thượng Nhật đã trồng 8 ha mít Viên
Linh (gần 2.500 cây). Chỉ sau 10 tháng, cây mít đã cho thấy khả năng sinh
trưởng tốt với chiều cao từ 0,8 - 1m.
Ông Nguyễn Văn Lưng- một hộ dân tham gia mô hình trồng
mít Viên Linh cho biết, đây là cây dễ trồng, không kén đất lại cho
trái quanh năm. Thời gian khi trổ bông đến khi thu hoạch trái chừng 100-120
ngày, trọng lượng chừng 10 kg/trái. So với các giống cây trồng khác, mít Viên
Linh cho thu nhập cao hơn từ 2-3 lần. Nếu 1ha cau cho thu từ 30-40 triệu
đồng/năm thì mít Viên Linh cho thu cả trăm triệu.
Nói về kỹ thuật trồng cũng như kinh nghiệm làm đất, ông
Lưng chia sẽ: “Bước đầu tiên là chọn đất, cần nơi khô ráo, dễ thoát nước và
cũng chủ động nguồn nước tưới. Thời vụ trồng nên chọn vào đầu mùa mưa tháng 10
đến tháng 12 dương lịch. Cự ly trồng cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m, 1ha
nếu chừa đường đi nội bộ có thể trồng chừng hơn 300 cây là đạt.
Về làm đất, đất bằng phẳng phải xẻ mương rãnh sâu ít nhất
30-40cm để chống ngập úng vào mùa mưa. Làm hố sâu 40x40x40cm và đắp mô cao
40-70cm…”.
Ông Trần Ngọc Thiệu, Trưởng phòng Hành chính- tổng hợp
(Chi cục PTNT & Quản lý chất lượng NLTS), người quản lý trực tiếp dự án cho
hay: “Để chương trình triển khai hiệu quả, Chi cục đã tổ chức nhiều
lớp tập huấn giúp bà con nắm vững kỹ thuật trồng mít. Nếu phát triển tốt giống
mít Viên Linh sẽ giúp cải thiện kinh tế, từng bước đưa đời sống của bà con
Thượng Nhật ngày càng đi lên, đồng thời nhân rộng mô hình này đến nhiều địa
phương khác”.
Duy Phiên - nongnghiep.vn